Thứ hai, 30/12/12,2024 17:23 UTC +7
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ   Hiệp hội nghiên cứu Đạo giáo Việt Nam
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ Hiệp hội nghiên cứu Đạo giáo Việt Nam
TAOISM RESEARCH ASSOCIATION OF VIETNAM
Quay lại trang chủ

VĂN KIỂM ĐẠO GIÁO LỊCH SỬ VÀ CÁC LOẠI HÌNH VĂN KIỂM

VĂN KIỂM ĐẠO GIÁO

LỊCH SỬ VÀ CÁC LOẠI HÌNH VĂN KIỂM

Tử Kính

Văn kiểm (文检) là thuật ngữ tổng hợp chỉ các loại văn thư được viết trong các nghi lễ trai – tiếu (斋醮) của Đạo giáo.

Giải nghĩa từ “Văn kiểm”:

  • “Văn” (文): Là công cụ truyền đạt Đạo.
  • “Kiểm” (检): Là quy chuẩn, khuôn mẫu.

Các loại văn kiểm thường có khuôn mẫu cố định, nhưng có thể thay đổi tùy thuộc vào nghi thức, thời gian, địa điểm và nhu cầu cụ thể.

Trong “Linh Bảo Ngọc Giám” (灵宝玉鉴), có viết: “Trai pháp chi thiết, tất hữu tấu thân quan thiếp, tất như dương thế chi quan phủ giả, dĩ sự nhân chi đạo, sự thiên địa thần kỳ dã”.

Tạm dịch: “Trong nghi lễ trai giới, cần có các tấu, thân, quan, thiếp, tương tự như văn thư hành chính nơi dương thế. Đó là cách thông qua việc phụng sự con người để bày tỏ lòng kính ngưỡng với trời đất và chư thần linh”.

  1. Khái niệm

Sớ ()

  • Còn gọi là sớ văn (疏文) hoặc tấu sớ (奏疏).
  • Sớ văn là văn thư được tín đồ dùng để trình bày ý nguyện lên các vị thần linh, với ý nghĩa “thông qua sớ để bày tỏ”.
  • Trong “Văn Thể Minh Biện” (文体明辩), có viết: “Theo tấu sớ, đây là thuật ngữ chung để chỉ văn thư trình bày ý kiến của quần thần với thiên tử”.
    • Trong nghi lễ Đạo giáo, sớ văn là loại văn thư được sử dụng rộng rãi nhất.
    • Tùy theo nội dung trình bày và vị thần được thỉnh, giấy viết sớ sẽ được chọn theo màu sắc phù hợp, phổ biến nhất là giấy vàng hoặc giấy đỏ.

Sớ văn có nguồn gốc từ Đạo giáo, ban đầu chỉ được sử dụng trong các nghi lễ của Đạo giáo. Nói một cách đơn giản, sớ văn là văn thư mà người phàm dùng để cầu xin thần tiên, giống như một lá thư giao tiếp giữa con người với nhau. Sớ văn là hình thức biểu đạt ngôn từ khi cầu phúc thần linh, kính trời tế tổ.

Người dâng sớ sẽ viết những điều cầu xin của mình lên giấy, đặt trong ống biểu (琅函), sau đó đốt đi. Các Tứ Trị Công Tào (四值功曹 – cai quản năm, tháng, ngày, giờ) và Phi Vân Bổng Tống Thiên Tôn (飞云捧送天尊) sẽ mang sớ văn đến Thiên Đình, tạo nên cầu nối giữa cõi tiên và nhân gian, từ đó truyền đạt ý nguyện của con người lên thần linh để đạt được mục đích mong muốn.

Sớ văn trong Đạo giáo được ứng dụng từ thời cổ đại, bắt đầu trong các nghi lễ “Thiên Tử tế trời đất, hoặc tế Ngũ Nhạc, Tứ Độc” (天子祭天地,或祭五岳四渎).

Sớ văn, còn gọi là biểu văn hoặc văn sớ, là loại văn bản dùng để người phàm nhân cầu khấn thần tiên, tương đương với bức thư mà chúng ta gửi đến thần tiên. Thông thường, sớ văn được đặt trong ống biểu, trên đó ghi rõ họ tên, ngày tháng năm sinh của người cầu xin, nội dung cầu xin, cùng các cung điện và danh hiệu của thần tiên, với mục đích cầu xin sự phù hộ từ các vị thần.

Theo nghĩa rộng, bất cứ văn bản nào dùng để kính dâng thần tiên, tế lễ trời đất, tổ tiên đều thuộc loại sớ văn. Đây là phương tiện trung gian để kết nối giữa trời đất, thần tiên và nhân gian, âm dương. Sau khi sớ văn được đốt cháy, sẽ do các thần quan như Tứ Trị Công Tào, Phi Vân bổng tống Thiên Tôn tiếp nhận và truyền đạt lên Thiên Đình, giống như “người đưa thu” truyền tải thông điệp giữa thần và người.

Truyền thống viết sớ văn, biểu văn trong quan niệm tôn giáo chỉ duy nhất có Đạo giáo có văn hóa này, sau này các tôn giáo và tín ngưỡng dân gian cũng bắt chước học theo, tuy nhiên đó chỉ là sự bắt chước về hình thức, không có kiến thức kiến giải.

  1. Nguồn gốc của sớ văn

Hình thức dâng sớ văn cầu phúc này có nguồn gốc từ thời Tổ Thiên Sư (祖天師) với tác phẩm “Tam Quan Thủ Thư” (三官手書).

Trong “Tam Quan Thủ Thư” (三官手書), yêu cầu rằng vào ngày Thượng Nguyên (上元, Rằm tháng Giêng), những việc cầu nguyện phải được viết thành văn thư, sau đó đem đốt, tâm tưởng hướng lên trời để sớ văn đến được Thiên Quan (天官), cầu Thiên Quan ban phúc (天官賜福).

Vào ngày Trung Nguyên (中元, Rằm tháng Bảy), những việc xin xóa mọi tội lỗi được viết thành văn thư, sau đó đem đốt và chôn trên núi, tâm tưởng sớ văn sẽ đến cung điện của Địa Quan (地官), để Địa Quan xá tội (地官赦罪).

Vào ngày Hạ Nguyên (下元, Rằm tháng Mười), những việc xin hóa giải oán hận được viết thành văn thư, sau đó đem đốt và thả xuống nước, cầu Thủy Quan (水官) loại trừ mọi tai nạn và ách nạn.

Do ba vị thần Thiên Quan, Địa QuanThủy Quan chủ trì phúc họa của nhân gian và âm phủ, nên sớ văn được dâng lên các cung điện của ba vị thần là “Tam Nguyên Diệu Vĩ Cung” (三元妙緯宮) và “Tam Nguyên Đô Hội Phủ” (三元都會府).

Đạo giáo đã kế thừa phương thức biểu đạt bằng văn thư này. Dù là nguyện vọng cá nhân hay việc đại sự quốc gia, đều có thể thông qua hình thức này để truyền đạt tâm nguyện lên thần linh, cầu mong sự phù hộ và ban phúc.

  1. Phân loại sớ văn

Nội dung và hình thức của sớ văn thay đổi tùy theo việc cầu xin. Sớ văn được phân thành hai loại lớn, dựa trên đạo tràng dương sự và âm sự:

3.1. Loại sớ cầu phúc:

Dùng để cầu phúc, tiêu tai, tăng phúc chuyển vận, chữa bệnh, giải ách, thăng tiến học hành, xin việc, kinh doanh, xây dựng,… Những sớ này thuộc loại cầu điềm lành, thường được thực hiện qua các nghi thức như Cúng Trời (贡天), Triều Đẩu (朝斗) hoặc Chuyên Triều (专朝).

3.2. Loại sớ âm sự:

Dùng để siêu độ vong linh, hóa giải oán hận, xóa tội lỗi, cầu cho vong linh thoát khổ được an lạc, siêu sinh lên cõi người hoặc cõi trời, giúp người sống thêm phúc. Những sớ này thường được thực hiện qua các nghi thức như Cứu khổ (救苦), Thập Vương (十王), Phong Đô (丰都), Thí thực (施食) hoặc Chuyên Triều (专朝).

Có thể nói, những ý nguyện được truyền đạt qua sớ văn bao phủ mọi khía cạnh trong công việc và cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

Đạo kinh chép:

“Kinh công hạo lực bất tư nghị” (经功浩力不思议), nghĩa là sức mạnh và hiệu quả của kinh văn không thể nghĩ bàn. Nếu người cầu nguyện chân thành, hướng tâm về đạo, tĩnh tâm sám hối, tích đức hành thiện, họ sẽ thoát khỏi đau khổ, tiêu trừ ma chướng. Tự nhiên, trời người cảm ứng, cầu phúc phúc đến, trừ họa họa tiêu, từ đó kết nối thêm nhiều thiện duyên.

     3.3. Các hình thức cơ bản

     3.3.1. Chương tấu (章奏)

  • Chương tấu là văn thư trình lên các vị Đế Tôn (帝尊) trong nghi lễ trai giới.
  • Nguyên gốc, chương tấu là loại văn bản hành chính thế tục.
  • Trong “Hán Thư Tạp Sự” (汉书杂事), có ghi:
    “Các loại văn thư của quần thần trình lên hoàng đế gồm bốn loại: chương, tấu, biểu, bác nghị”.
  • “Văn Tâm Điêu Long” (文心雕龙) giải thích:
    • “Chương để tạ ơn, tấu để trình báo, biểu để bày tỏ tình cảm, nghị để tranh luận quan điểm”.
    • “Chương” thể hiện sự rõ ràng, “tấu” mang nghĩa trình lên.
  • Trong Đạo giáo, chương tấu có các đặc điểm:
    • Dùng để trình bày các vấn đề quan trọng, cầu phúc hoặc xin ân huệ từ các vị thần linh.
    • Khi viết chương tấu, cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc:
      • Chữ “thần” () không được đặt ở đầu câu.
      • Chữ “quỷ” () không được đứng đầu đoạn văn.
      • Không được viết tên người sống bên cạnh người đã khuất hoặc làm tổn hại tên người.

3.3.2. Thiếp văn (牒文)

  • Thiếp văn là loại văn thư hành chính trong Đạo giáo, thường dùng để thông báo hoặc kết nối giữa các cấp bậc khác nhau trong thần giới hoặc âm phủ.
  • Thiếp văn thường có mục đích triệu thỉnh hoặc thông báo, và được sử dụng trong các nghi thức cầu siêu hoặc giải trừ oán hận.

3.3.3. Biểu ()

Định nghĩa:

  • Hạ ngôn thượng: Dùng để truyền đạt ý nguyện từ cấp dưới lên cấp trên. “Biểu” có nghĩa là bộc lộ rõ ràng, thể hiện nội dung và ý chí ra bên ngoài.

Nguồn gốc:

  • Biểu thuộc nhóm chương tấu, dùng để trình bày sự việc một cách minh bạch nhằm thể hiện lòng trung thành. Nội dung biểu mang tính công khai, không ngại bị người khác biết.

3.3.4. Thân (申)

  • Thân có nghĩa là trình bày hoặc giải thích. Đây là loại văn thư mà cấp dưới gửi đến quan phủ hoặc cấp trên để trình bày sự việc.

3.3.5. Trạng ()

Định nghĩa:

  • Dùng trong Đạo giáo: Trạng là văn bản trình bày sự việc lên chư thần, chỉ dùng để đốt mà không cần đọc to.
  • Trong hành chính: Trạng là loại văn thư mà cấp dưới trình lên cấp trên để báo cáo sự việc, gọi là “trạng trình”.

3.3.6. Thiếp ()

Định nghĩa:

  • Thiếp là loại văn thư dùng trong các nghi lễ trai giới của Đạo giáo, đóng vai trò là văn bản tấu trình lên Thiên Đình hoặc văn bản trao đổi giữa các thần linh.

Nguồn gốc:

  • Trong hệ thống hành chính cổ, thiếp là loại văn bản hành chính dùng để trao đổi giữa các cấp. Theo “Chính tự thông”, “thiếp” nghĩa là sách tre hoặc bảng gỗ dùng để viết văn thư.

Phân loại thiếp trong Đạo giáo:

  • Trong các nghi thức tấu trình Đạo giáo, các văn bản được gửi đến nhiều cấp bậc thần linh khác nhau. Tùy theo thứ bậc của thần linh, văn thư được chia thành các loại:
    • Tấu trạng (奏状): Dùng để trình bày với các vị thần cao cấp như Tam Thanh, Ngọc Hoàng, Bắc Đẩu, Nam Cực Trường Sinh Đại Đế, Hậu Thổ Hoàng Địa Kỳ, và các vị Đại Đế khác.
    • Thân trạng (申状): Gửi đến các vị thần có cấp bậc thấp hơn, như các sư phụ Linh Bảo, các chư thần Bắc Đẩu, Nam Đẩu, Ngũ Tinh, Nguyệt Cung, Nhật Cung, và các chức trách liên quan đến kinh lục.
    • Thiếp trạng (牒状): Gửi đến các vị thần hoặc quan chức trong các cung điện thấp hơn, nhằm báo cáo, xin chỉ thị hoặc nhờ hỗ trợ trong nghi lễ trai giới.

Thiếp trạng (牒状)

Đối tượng gửi thiếp trạng: Thiếp trạng được gửi đến các thần linh và quan chức trong thần giới, bao gồm:

  • Đại Thành Hoàng của thiên hạ (天下都大城隍)
  • Thành Hoàng châu, huyện (州城隍、县城隍)
  • Cửu Châu Xã Lệnh (九州社令)
  • Các chủ thần của ngục tù (诸狱主者)
  • Đại Chủ Thần của thập phương đạo đô (十方道都大主者)
  • Chủ quản của các đường âm phủ (冥关幽路主者)
  • Ngũ Nhạc Hào Lý Tương Công (五岳蒿里相公)
  • Chân Quan Thổ Địa Lý Vực (土地里域真官)
  • Sáu Đạo Đô Án ở Phong Đô (酆都六道都案)
  • Thần Hổ Sứ Giả của Tam Giới Trực Phù (三界直符神虎使者等神)

Đặc điểm của thiếp trạng:

  • Không xưng “thần”: Trong thiếp trạng, không sử dụng chữ “thần” để xưng hô.
  • Không dán nhãn (): Thiếp trạng không đính kèm nhãn như các loại văn thư khác.

Biểu, thân và các loại văn thư khác trong nghi thức Đạo giáo:
Biểu, thân và các văn thư liên quan được xem như văn bản hành chính của Đạo giáo, được gửi đến các quan chức thần giới bao gồm:

  • Mặt trời, mặt trăng, các vì sao (日月星辰)
  • Thiên tào (天曹)
  • Sông núi (山川)
  • Địa ngục (地狱)

Chúng là một phần không thể thiếu trong các nghi thức Đạo giáo, đảm bảo sự kết nối giữa các tầng lớp thần linh trong tam giới.

3.3.7. Quan ()

Định nghĩa trong Đạo giáo:

  • Quan là một loại văn thư được sử dụng trong các nghi lễ trai giới (斋醮), do cơ quan quản lý pháp sự Linh Bảo Đại Pháp ban hành.
  • Khi giao thiệp các văn thư như thiếp, biểu, sớ đến các thần linh thông qua sứ giả Công Tào, cần lập danh mục số lượng văn thư, kiểm tra rõ ràng, và nhắc nhở sứ giả giao nộp đúng hạn, tránh thất lạc.
  • Nội dung hướng dẫn và yêu cầu này được viết thành văn thư, gọi là “Quan”.

Nguồn gốc trong hành chính thế tục:

  • Quan vốn là một loại văn bản công vụ được sử dụng trong quan phủ.
  • “Văn Thể Minh Biện” (文体名辩) giải thích: “Chư ty tự tương chất vấn, kỳ nghị hữu tam: nhất viết Quan, vị Quan thông kỳ sự dã”.
    • Tạm dịch: “Các cơ quan hành chính khi chất vấn nhau, thường sử dụng ba hình thức văn bản, trong đó có Quan, dùng để truyền đạt và thông báo sự việc.”
  • Do đó, Quan còn được gọi là “Quan văn” (关文).

Tóm lại: Quan vừa mang ý nghĩa văn thư chính thức trong hệ thống hành chính thế tục, vừa là loại văn bản đặc biệt trong các nghi lễ của Đạo giáo. Trong nghi thức trai giới, Quan được sử dụng để đảm bảo việc giao nộp văn thư đến các thần linh được thực hiện chính xác và hiệu quả.

3.3.8. Bảng ()

Định nghĩa: Trong các nghi lễ trai giới (斋醮) của Đạo giáo, bảng là văn thư được dán hoặc công bố trước đàn lễ.

Ý nghĩa và mục đích:

  • Thông báo tín đồ: Bảng có tác dụng thông báo cho các tín đồ về các giai đoạn và trình tự của pháp sự.
  • Quy ước và điều chỉnh: Sử dụng để nhắc nhở và ràng buộc các tướng soái, cô hồn, đồng thời liệt kê chi tiết các nghi thức, kinh văn được tụng đọc trong pháp sự.
  • Triệu thỉnh thần linh: Thông qua bảng, các thần tướng và tiên quan được thông báo để đến đàn lễ thực hiện nhiệm vụ.
  • Hướng dẫn cô hồn: Giải thích rõ ràng để cô hồn từ các nẻo đường tụ họp về đàn lễ nhận sự cứu độ.

Tóm lại: Bảng trong nghi lễ Đạo giáo là một công cụ quan trọng để quản lý và thông báo, giúp pháp sự được thực hiện theo đúng trình tự, đồng thời tạo cầu nối giữa các tầng lớp thần linh và các cô hồn.

3.3.9. Khẩn ý (悃意)

Định nghĩa:

  • Khẩn ý thể hiện ý nghĩa thành tâm, chân thành, gói gọn trong hai từ “chí thành” (至诚).
  • Đây là bản ghi nhớ của đạo sĩ, thường được gọi là “thủ sớ” (手疏). Mỗi giai đoạn trong nghi thức pháp sự đều được trình bày rõ ràng về mục đích và ý nghĩa với các thần linh. Trong các mẫu văn bản nghi lễ, những từ như “nhập ý” (入意) hoặc “ý văn” (意文) thường đề cập đến loại văn bản này.

Nội dung:

  • Khẩn ý là lời trình bày ngắn gọn về sự thành tâm của tín đồ trong việc tổ chức trai giới để tạ ơn thần linh.
  • Vì chỉ sử dụng như một bản ghi nhớ, khẩn ý không được xem là văn bản chính thức như quan, thiếp, biểu hay sớ.
  • Thường được viết trên giấy đỏ và không cần dùng phong bì.

3.3.10. Ấn ()

Ý nghĩa:

  • Trong hành pháp, ấn được sử dụng tương tự như con dấu hành chính ở nhân gian, tượng trưng cho quyền uy của thần linh và trật tự trên thiên giới.
  • Trong “Linh Bảo Ngọc Giám” (灵宝玉鉴), quyển 1, có ghi:
    “Pháp giả chi vi ngôn, chính dã, chính kỳ tà dã. Dĩ hữu đức lễ chi hữu chính hình dĩ đạo chi tề chi dã. Cố chương biểu thân quan thiếp phù hịch hựu tất giả thiên phủ chi ấn dĩ thị tín dã”. Tạm dịch: “Pháp có nghĩa là chính, điều chỉnh những thứ sai lệch. Tương tự như việc dùng đức lễ và hình phạt để dẫn dắt và điều chỉnh, các văn thư như chương, biểu, thân, thiếp, phù, hịch đều phải được đóng dấu của thiên phủ để thể hiện sự tin cậy.”

Tính chất:

  • Thần ấn không chỉ đại diện cho quyền lực của thần giới mà còn là biểu tượng truyền thừa của các môn phái trong Đạo giáo.
  • Tất cả các văn bản như thượng chương (上章), tấu thân (奏申), thư phù (书符), chế lục (制箓) đều phải sử dụng ấn theo quy cách truyền thống.

Tóm lại:

  • Khẩn ý là một dạng văn bản đơn giản, không chính thức, nhằm bày tỏ sự thành tâm của tín đồ trong các nghi thức tạ lễ hoặc cầu phúc.
  • Ấn là biểu tượng quyền lực và sự xác thực trong các nghi thức hành pháp, đóng vai trò thiết yếu để hợp thức hóa mọi văn bản pháp sự trong Đạo giáo.
  1. Yêu cầu và cấm kỵ trong việc viết sớ văn

Việc viết sớ văn có những quy tắc nghiêm ngặt về bố cục và cách trình bày. Vì đây là thư tín gửi đến thần tiên, nội dung phải chính xác, cẩn trọng, đồng thời cần ghi rõ các cung điện và thánh hiệu của thần tiên sao cho phù hợp.

Yêu cầu chung

Sớ văn trong Đạo giáo có nhiều yêu cầu và cấm kỵ khác nhau, tùy thuộc vào từng việc, từng cung điện hay từng thần linh mà cách viết có sự khác biệt. Thông thường, sớ văn được phân thành các dạng như: biểu văn, sớ vấn, phù văn, quan văn. Cần đảm bảo lời văn mộc mạc, giản lược, chân thành, đủ sức cảm động trời đất, khiến quỷ thần cảm ứng, và phải viết với thái độ cung kính, tránh xúc phạm thần linh.

Khi viết sớ biểu, cần sử dụng loại giấy vàng (黄表), giấy phải sạch sẽ, không được rách hoặc dính dầu mỡ. Ngoài ra:

  • Không được để người ngoài nhìn thấy khi viết.
  • Không được để gà, chó hoặc các loài vật khác vào phòng.
  • Không trò chuyện với người ngoài.
  • Không để nét chữ bị rời rạc, thiếu nét hoặc sai sót.

Kích thước giấy cần tuân thủ: chiều rộng 1,2 thước (khoảng 40 cm), lề trên để trống 8 phân (khoảng 2,9 cm), lề dưới hẹp đến mức chỉ để kiến bò qua. Đây là quy tắc “thiên địa cách” (天地格式) trong việc viết sớ văn.

Các quy tắc cụ thể

  • Tên thánh hiệu của Tổ Sư hoặc Thiên Tôn không được viết dưới chân.
  • Danh xưng “đệ tử” hoặc “thần” không được đặt đầu đoạn.
  • Chữ “quỷ” không được đặt đầu câu, và không được làm rách tên người sống hoặc vong linh.
  • Kích thước chữ thường quy định từ 2 đến 2,5 phân. Các đoạn cuối như năm, tháng, ngày cần để trống 3-4 ô vuông nhỏ. Trong khi đó, chữ trong “thiệp văn” (牒文) cần lớn hơn, khoảng 3,5-4 phân.

Khi dâng biểu lên Tổ Sư và viết thánh hiệu của Thiên Tôn, cần đảm bảo thánh hiệu nằm trong ô hoàng đạo của giấy. Việc chọn ngày cần dựa trên hoàng đạo như: Thanh Long, Minh Đường,… Để dễ nhớ, có thể sử dụng câu: “Đạo viễn kỷ thì, thông đạt lộ dao, hà nhật hoàn hương” (道遠幾時,通達路遙,何日還鄉).

Các chữ thuộc bộ “tẩu” (走) như là hoàng đạo; những chữ khác thuộc hắc đạo. Nếu thánh hiệu nằm trên hắc đạo, có thể viết thêm chữ “trung tạ” (中謝), sau đó tiếp tục viết thánh hiệu ở dòng tiếp theo trong ô hoàng đạo.

Lời khuyên từ sách “Linh Bảo Văn Kiểm” (靈寶文檢)

Sách “Linh Bảo Văn Kiểm” ghi rằng: “Chương biểu tấu thân, quan thiệp phù kiêu, tất phải mượn ấn tín của Thiên Phủ để làm bằng chứng, thể hiện pháp tắc mà người, thần, quỷ đều tuân theo, không thể làm trái.”

Sau khi viết xong, sớ văn phải được đóng dấu bằng nước (hoặc rượu), tuyệt đối không được sử dụng mực dầu. Khi đọc sớ và đưa vào lò hóa, sớ không được dính dầu mỡ và cũng không được dùng đèn dầu để đốt.

  1. Chọn ngày lành dâng biểu và thượng sớ

Theo “Ngọc Hạp Ký” (玉匣記) của Hứa Chân Quân (许真君) thời Đông Tấn, những ngày lành để dâng sớ gồm: “Thiên Đức, Nguyệt Đức, Thiên Đức Hợp, Nguyệt Không, Thánh Tâm, Mẫu Thương, Giải Thần, Định Thành Nhật”. Đây đều là những ngày thuộc Hoàng Đạo hoặc do cát thần trị nhật.

Ví dụ, chọn ngày lành theo Thiên Đức:

“Chính Đinh nhị Khôn (Thân) cung, tam Nhâm tứ Tân đồng, ngũ Canh (Hợi) lục Giáp thượng, thất Quý bát Cấn (Dần) phùng; cửu Bính thập cư Ất, Tý Tốn (Tỵ) Sửu Canh trung”.

Thiên Đức Hợp chọn ngày lành: Thiên Đức vào tháng Giêng là ngày Đinh (như Đinh Tỵ, Đinh Mùi), hợp với ngày Nhâm. Tất cả những ngày có chữ Nhâm vào tháng Giêng (như Nhâm Tý, Nhâm Dần, Nhâm Tuất,…) đều là ngày Thiên Đức Hợp. Các tháng khác từ tháng Hai đến tháng Chạp cũng tương tự, dựa vào sự kết hợp giữa Thiên Can và Địa Chi.

Tránh các ngày hung

Khi thực hiện đạo tràng hoặc pháp sự, việc khai đàn phải chọn ngày lành, tránh những ngày hung như: Bính Dần, Đinh Mão, Bính Thân, Đinh Dậu, Mậu Tuất, Mậu Thìn, cũng như các ngày Thọ Tử, Long Hổ hung bại nhật.

Vì sao phải chú ý?

Theo “Định Chế Tập” (定制集) của Lữ Phác Am (吕朴庵), trong “Huyền Đô Luật” (玄都律) có ghi: “Thượng chương biểu, tuyệt đối tránh ngày Mậu Tuất, Mậu Thìn. Vì sao? Thìn là cửa trời, Tuất là cửa đất. Thìn thuộc Rồng, Tuất thuộc Chó. Vào những ngày này, Thái Thượng Trượng Nhân yết kiến Thái Thượng Lão Quân, Cửu Khí Trượng Nhân gặp Cửu Lão Tiên Đô Quân để kiểm tra sổ sinh tử của toàn nhân gian. Thời điểm này, Thiên Đế cũng xét duyệt tội lỗi của nam nữ nhân gian, khiến cửa trời không mở.”

Khi khai đàn làm lễ trai giới, cần tránh Sấm Sét, Bạch Hổ Đại Sát. Nếu Bạch Hổ vào trung cung, trong ngày này không được sử dụng chuông, trống, nhạc pháp trong chính sảnh, phạm vào sẽ gặp đại hung.

Ngoài ra, không được làm sớ biểu cho người phạm Thập Ác, Ngũ Nghịch, không được dâng sớ khi có gió lớn, mưa lớn, hoặc người dâng sớ mang sáu bệnh nghiêm trọng.

Các nghi lễ như Trai Giới Tam Hội, Bát Tiết, Ngũ Lạp, Tiểu Hội, Tứ Thủy, ngày bản mệnh cầu nguyện, tấu chương sám hối, phải đảm bảo rằng cả người sống và người đã khuất đều hưởng lợi ích từ pháp sự này.

Trong Đạo giáo, quy tắc về ngày “Mậu” trong nghi lễ trai giới

Trong các nghi lễ trai giới và pháp sự của Đạo giáo, thường ngày có chữ “Mậu” (戊) không được chọn để dâng biểu tấu chương hay hành lễ trước thánh thần.

Tuy nhiên, trong các trường hợp đặc biệt như ngày sinh nhật của Tổ Sư (祖师圣诞) hoặc các pháp hội kéo dài ba ngày (三天) hoặc bảy ngày trở lên (七天以上), nếu rơi vào ngày Mậu Tý (戊子), thì cần tránh giờ (子时).

Trừ các pháp hội lớn có tính chất đặc biệt, nói chung, nguyên tắc “Mậu không triều chân” (戊不朝真) càng phải tuân thủ nghiêm ngặt và không được dâng biểu tấu chương trong những ngày này.

Sách “Linh Bảo Văn Kiểm” ghi:

“Chương biểu tấu thân, quan thiệp phù kiêu, tất phải mượn ấn tín của Thiên Phủ để làm bằng chứng. Ấn tín được truyền thụ từ các đạo sư, thể hiện pháp tắc mà trời đất, thần linh, người và quỷ đều phải tuân theo.”

Sau khi viết xong sớ văn, cần đóng dấu bằng nước hoặc rượu. Tuyệt đối kiêng dùng mực dầu để đóng dấu. Khi tuyên đọc sớ văn xong và đưa vào lò hóa, phải đảm bảo giấy không bị dính dầu mỡ, không sử dụng đèn dầu để đốt, khi đốt sớ có thể lấy lửa từ nến, đèn trên pháp đàn để đốt sớ.

———————————————-

Nguyễn Tử Kính. Trụ trì Việt Nam Đạo giáo Đại La Quán

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *