Thứ bảy, 21/12/12,2024 16:36 UTC +7
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ   Hiệp hội nghiên cứu Đạo giáo Việt Nam
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ Hiệp hội nghiên cứu Đạo giáo Việt Nam
TAOISM RESEARCH ASSOCIATION OF VIETNAM
Quay lại trang chủ

NAM CỰC TRƯỜNG SINH ĐẠI ĐẾ

NAM CỰC TRƯỜNG SINH ĐẠI ĐẾ
Nam Cực Trường Sinh Đại Đế, hay còn biết với hiệu Ngọc Thanh Chân Vương, toàn hiệu là “Cao Thượng Thần Tiêu Ngọc Thanh Chân Vương Trường Sinh Đại Đế Thống Thiên Nguyên Thánh Thiên Tôn”. Đại Đế ngự tại Cao Thượng Thần Tiêu Ngọc Thanh Phủ. Nam Cực Trường Sinh Đại Đế đứng đầu Cửu Tiêu, là một trong Tứ Ngự, là pháp chủ của Thần Tiêu Lôi Pháp.
Có nhiều thuyết nói về căn cội của Nam Cực Trường Sinh Đại Đế, trong đó phổ biến nhất là nói Đại Đế do Nguyên Thuỷ Thiên Tôn (Hư Hoàng) hoá sinh. Theo “Cao Thượng Thần Lôi Ngọc Thanh Chân Vương Tử Thư Đại Pháp”, Đại Đế là con trưởng của Nguyên Thuỷ Thiên Vương.
Chuyện thuật rằng thuở Thái Không chưa thành, Nguyên khí chưa sinh, Nguyên Thuỷ Thiên Tôn đã hiển hiện, Ngài là Hạo Mãng Minh Luật Đại Phạm Tổ, ngưng thần kết thai, còn gọi hỗn độn. Hỗn độn phân tách, mới có Trời Đất tạo vật. Thiên Vương vận hoá khai diễn muôn sinh, treo trời trăng, định càn khôn,… Lúc này, Thiên Vương từ nơi Ngọc Kinh Sơn mà hạ du, gặp được Vạn Khí Tổ Mẫu Thái Huyền Ngọc Cực Nguyên Cảnh Tự Nhiên Cửu Thiên Thượng Huyền Ngọc Thanh Thần Mẫu (giả danh dị hiệu của Nguyên Thuỷ Thiên Tôn, ám chỉ Nam Cực Trường Sinh Đại Đế hoài thai trong chính Hư Hoàng), hành đạo Thượng Thanh Đại Đỗng Thư Hùng Tam Nhất Hỗn Hóa, mà sinh tám người con. Trưởng tử là Nam Cực Trường Sinh Đại Đế, có hiệu Cửu Long Phù Tang Nhật Cung Đại Đế hoặc hiệu Cao Thượng Thần Tiêu Ngọc Thanh Vương. Một người ba danh hiệu, kì thực nhằm chỉ một vị Thánh.
Chân Vương tư thần quán kiến thấy nhất thiết chúng sinh nơi thế gian gặp phải tam tai bát nạn, lâm khổ ải chốn Cửu Tuyển, lại thấy nhất thiết tội hồn chịu phải báo đối nhân duyên. Ngài lại thấy vô lượng chúng sinh khổ nạn, bất kể ngày đêm, sinh tử vãng lai, như bánh xe luân chuyển. Cho nên, Ngài dùng lực thần thông, thương xót chúng sinh trong tam giới, liền diện kiến Nguyên Thủy Thượng Đế trong Ngọc Thanh Thiên mà lễ thỉnh ân cần. Ngài hỏi xin Tử Vi Thượng Cung Tử Ngọc Quỳnh Nhụy Chi Cấp, vào trong Cửu Tiêu Bảo Lục mà thỉnh “Thần Tiêu Chân Vương Bí Pháp” một bộ ba quyển. Nguyên Thuỷ Thượng Đế liền sắc lệnh cho Thái Hoàng Vạn Phúc Chân Quân lấy “Cao Thượng Thần Tiêu Ngọc Thanh Chân Trường Sinh Hộ Mệnh Bí Pháp” truyền phó thế gian, cứu bạt chúng sinh.
Lại có thuyết về Nam Cực Trường Sinh Đại Đế là con thứ chín của Nguyên Thuỷ Thiên Vương. “Cao Thượng Cửu Tiêu Ngọc Thanh Đại Phạm Tử Vi Huyền Đô Lôi Đình Ngọc Kinh” nói: “Đệ cửu tử vị vi Cao Thượng Thần Tiêu Ngọc Thanh Chân Vương Trường Sinh Đại Đế, chuyên chế cửu tiêu tam thập lục thiên, tam thập lục thiên tôn thống lĩnh”.
Cửu Tiêu hay Lôi Đình Cửu Thần Cao Chân là nói đến 9 vị tôn thần, do Nguyên Thuỷ Thiên Tôn hoá sinh. Cửu Thần Thượng Đế thay trời mà tể chế vạn hoá, đào dục càn khôn. Các vị gồm: Cao Thượng Thần Tiêu Ngọc Thanh Chân Vương Nam Cực Trường Sinh Đại Đế Thống Thiên Nguyên Thánh Thiên Tôn; Cao Thượng Bích Tiêu Thanh Hoa Thái Ất Tầm Thanh Cứu Khổ Thiên Tôn Thanh Huyền Cửu Dương Thượng Đế; Cao Thượng Thanh Tiêu Cửu Thiên Ứng Nguyên Lôi Thanh Phổ Hóa Thiên Tôn; Cao Thượng Ngọc Tiêu Cửu Thiên Lôi Tổ Đại Đế Trừ Tai Tế Vật Thiên Tôn; Cao Thượng Lang Tiêu Thái Ất Đại Thiên Đế Bảo Chế Kiếp Vận Thiên Tôn; Cao Thượng Thái Tiêu Lục Thiên Đỗng Uyên Thiên Đế Phục Ma Thượng Thượng Thiên Tôn; Cao Thượng Tử Tiêu Lục Ba Thiên Chủ Đế Quân Phổ Thí Pháp Nhuận Thiên Tôn; Cao Thượng Thao Tiêu (hoặc Đan Tiêu) Thanh Thành Sơn Khả Hàn Trượng Nhân Chân Quân Chu Lăng Độ Mệnh Thiên Tôn; Cao Thượng Cảnh Tiêu Cửu Thiên Thải Phỏng Sứ Giả Ứng Nguyên Bảo Vận Diệu Hóa Thiên Tôn.
Trong dân gian, người ta hay lầm lẫn giữa Nam Cực Trường Sinh Đại Đế với Thọ Tinh hay Nam Cực Tiên Ông. “Sử Ký – Phong Thiền Thư”, nói: “Thọ Tinh, ấy là chòm sao Nam Cực Lão Nhân”. Trong “Thích Thiên” lại nói: “Thọ Tinh là hai sao Giác, Cang”. Giác và Cang là hai chòm trong Đông Phương Thanh Long Thất Tú của Nhị Thập Bát Tú (Thiên Văn cổ đại). Dân gian truyền rằng: Lão Nhân tinh xuất hiện, trị an; Lão Nhân tinh ẩn đi, binh khởi. Trương Thủ Tiết đời Đường nói: “Lão Nhân Tinh ở phía cô nam (Đông Nam của Thiên Lang Tinh) gọi là Nam Cực, chủ thọ mệnh”.
Trong các văn hiến Đạo giáo, không thấy xuất hiện danh xưng “Nam Cực Tiên Ông”. Nguồn gốc tên gọi này có thể đến từ tiểu thuyết “Phong Thần Diễn Nghĩa”. Vì phong thần là tiểu thuyết được phổ biến trong dân gian nên người ta thường đánh đồng Nam Cực Trường Sinh Đại Đế với Nam Cực Tiên Ông, Thọ Tinh. Đến ngày nay, một số nguồn trên Internet vẫn lầm lẫn.
Trong Đạo giáo, Nam Cực Trường Sinh Đại Đế không phải Thọ Tinh. Việc quản lý thọ mệnh có rất nhiều vị như Nam Cực Thượng Tể Quảng Thọ Tiên Ông, Nam Cực Lục Ti Diên Thọ Tinh Quân, Nam Cực Phúc Tinh Thiên Đức Tinh Quân, Nam Cực Lộc Tinh Thiên Hữu Tinh Quân, Nam Cực Thọ Tinh Lão Nhân Tinh Quân. Các vị này đều là hạ cấp, thuộc quyển quản hạt của Nam Cực Trường Sinh Đại Đế.
Nam Cực Trường Sinh Đại Đế nương nhờ Nguyên Thủy Tổ Khí mà phân chân, Ngài là đấng tự nhiên cao chân, dùng chính Diệu Đạo Hư Vô khai hóa quần phẩm. Điển cố tương truyền Nam Cực Trường Sinh Đại Đế giáng thánh lục cho Vương Văn Khanh Tổ sư, kế đó lập ra Thần Tiêu Phái. Thánh lục này chính là Thần Tiêu Ngọc Lục, nên nương tên ấy, Tổ sư đặt ra tên phái là Thần Tiêu.
Ở một số đạo quán lớn, việc thờ phụng Cửu Tiêu sẽ sắp xếp chung với Tam Thanh. Trong việc bố đàn, án đàn, sự sắp xếp có thể kể đến như: Trường Sinh Đại Đế ở Khảm, Thanh Hoa Đại Đế ở Khôn, Phổ Hóa Thiên Tôn ở Chấn, Lôi Tổ Đại Đế ở Tốn, Thái Ất Thiên Đế ở Trung cung, Đỗng Uyên Đại Đế ở Càn, Lục Ba Thiên Chủ ở Đoài, Khả Hàn Chân Quân (Chu Lăng) ở Cấn, Thải Phỏng Sứ Giả ở Ly.
nguồn: Long Môn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *