TẾT THANH MINH TRONG MỐI QUAN HỆ GIỮA
NGHI THỨC THỜ CÚNG TỔ TIÊN VỚI TÍN NGƯỠNG TÔN GIÁO ĐẠO GIÁO CỦA NGƯỜI VIỆT NAM
——————-
Đạo trưởng. Nguyễn Tử Kính[1]
- TỔNG QUAN LỊCH SỬ VẤN ĐỀ
1.1. Từ nguyên
Chữ Hán: 清明, thanh (清) trong thanh lọc, thanh khiết, mang nghĩa là “sạch sẽ” hay “trong lành”, không phải thanh (青) mang nghĩa là “màu xanh lam”, minh (明) mang nghĩa là “tươi sáng”.
Trong mối quan hệ với sự hình thành công tác làm lịch (Nông lịch – Âm lịch) Tiết Thanh minh là một khái niệm trong công tác lập lịch của các nước phương Đông chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Bách Việt cổ đại. Nó là một trong số hai mươi tư tiết khí của các lịch Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên.
Vì lịch của người Trung Quốc, cũng như Việt Nam cổ đại, bị nhiều người lầm tưởng là âm lịch thuần túy nên rất nhiều người cho rằng nó được tính theo chu kỳ của Mặt Trăng quay xung quanh Trái Đất. Trên thực tế lịch Trung Quốc cổ đại là một loại âm dương lịch nên nếu giải thích theo thuật ngữ của lịch hiện đại ngày nay (lịch Gregory) thì nó được tính theo vị trí của Trái Đất trong chu kỳ chuyển động trên quỹ đạo của mình xung quanh Mặt Trời. Nếu tính điểm xuân phân là gốc (kinh độ Mặt Trời bằng 0°) thì điểm diễn ra hay bắt đầu tiết Thanh minh là kinh độ Mặt Trời bằng 15°. Do vậy, tiết Thanh minh thực tế được tính theo cách tính của dương lịch hiện đại và nó thông thường bắt đầu vào ngày 4 hoặc 5 tháng 4 dương lịch tùy theo từng năm.
Theo quy ước, tiết thanh minh là khoảng thời gian bắt đầu từ khoảng ngày 4 hay 5 tháng 4 khi kết thúc tiết xuân phân và kết thúc vào khoảng ngày 20 hay 21 tháng 4 trong lịch Gregory theo các múi giờ Đông Á khi tiết Cốc vũ bắt đầu.
1.2. Quan niệm mang tính tín ngưỡng – tôn giáo.
Tết Thanh Minh, được đa số mọi người dân ở các quốc gia phương Đông hưởng ứng và thực hiện với các nghi thức mang tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, nhằm tưởng nhớ tổ tiên, dòng họ cũng các bậc tiên hiền có công trong quá trình lập làng dựng nước.
Trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của cộng đồng người Bách Việt cổ kể từ bờ nam sông Dương Tử trở xuống tín ngưỡng về tết Thanh Minh trở nên hết sức trang trọng và thành kính.
Tại Trung Quốc, từ thời nhà Thanh, sau khi sửa đổi lịch thì tết Thanh Minh diễn ra vào ngày tiết Thanh minh. Tại Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và Ma Cao, Malaysia, Singapore, Indonesia, Thái Lan thì tết này là một ngày quốc lễ. Còn ở các khu vực khác ở Đông Á thì không. Tại Việt Nam, tết Thanh Minh hiện nay được lưu giữ như một phong tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc gắn liền với các hoạt động mang tính tín ngưỡng sau tết Nguyên Đán cổ truyền.
Nói đến Tết Thanh minh thì bao giờ người ta cũng nghĩ đến lễ “Tảo mộ” và “Hội đạp thanh”. Tại Việt Nam cộng đồng người gốc Hoa ăn tết này theo ngày tiết Thanh minh như Trung Quốc. Thường thì họ sẽ lấy ngày 4/4 dương lịch (hay ngày 5/4 dương lịch nếu năm đó nhuận tháng 2 có ngày 29 – Năm có số năm chia hết cho 4, ví dụ: 2016, 2020…) là ngày chính để cúng Thanh minh, còn việc cúng vào ngày nào là tùy thuộc mỗi gia đình. Ngày Thanh minh là một yếu tố quan trọng để xác định ngày Tết Nguyên Đán cũng như xác định tháng nhuận trong âm lịch của Việt Nam và Trung Quốc v.v.
Tảo mộ
Nhân ngày Thanh minh, người dân các nước có nền văn hóa tương đồng và chịu ảnh hưởng của nền văn minh Nam Dương Tử đều có tục đi tảo mộ gia tiên và làm lễ cúng gia tiên sau cuộc tảo mộ.
Công việc chính của tảo mộ là sửa sang các ngôi mộ của tổ tiên cho được sạch sẽ. Nhân ngày Thanh minh, người ta mang theo xẻng, cuốc để đắp lại nấm mồ cho đầy đặn, rẫy hết cỏ dại và những cây hoang mọc trùm lên mộ cũng như tránh không để cho các loài động vật hoang dã như rắn, chuột đào hang, làm tổ mà theo suy nghĩ của họ là có thể phạm tới linh hồn người đã khuất. Sau đó, người tảo mộ thắp vài nén hương, đốt vàng mã hoặc đặt thêm bó hoa cho linh hồn người đã khuất. Trong ngày Thanh minh, khu nghĩa địa trở nên đông đúc và nhộn nhịp. Các cụ già thì lo khấn vái tổ tiên nơi phần mộ. Trẻ em cũng được theo cha mẹ hay ông bà đi tảo mộ, trước là để biết dần những ngôi mộ của gia tiên, sau là để tập cho chúng sự kính trọng tổ tiên qua tục viếng mộ. Những người quanh năm đi làm ăn xa cũng thường trở về vào dịp này (có thể sớm hơn một, hai ngày vì nhiều lý do khác nhau) để tảo mộ gia tiên và sum họp với gia đình. Bên cạnh những ngôi mộ được trông nom, chăm sóc cẩn thận, còn có những ngôi mộ vô chủ, không người thăm viếng. Những người đi viếng mộ thường cũng cắm cho các ngôi mộ này một nén hương.
Hội đạp thanh
Trước đây, nam nữ thanh niên cũng nhân dịp này để du xuân nên mới có tên gọi hội đạp thanh (tức giẫm lên cỏ). Ngày nay, ở Việt Nam lễ hội này không còn nhiều, chỉ một số nơi ở các đồng bào dân tộc miền núi phía Bắc còn duy trì (Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn,…).
Trong văn học
Nếu tính tiết Đông chí là gốc thì tiết Thanh minh cách tiết này khoảng 105 ngày, còn nếu tính tiết Lập xuân là gốc thì nó cách tiết này khoảng 60 ngày. Tính theo âm lịch, nó rơi vào khoảng từ sớm nhất là giữa tháng Mão (tháng Hai) đến muộn nhất là giữa tháng Thìn (Tháng Ba). Cho nên, Nguyễn Du trong Truyện Kiều mới có câu:
“Ngày xuân con én đưa thoi
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi
Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
Thanh minh trong tiết tháng Ba
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh
Gần xa nô nức yến anh
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân…”
Xét trong mối quan hệ tín ngưỡng – tôn giáo. Tết Thanh Minh được hiểu và được đa số nhân dân các quốc gia nêu trên thực hành theo hai loại hình mang tính nghi lễ có chứa đựng yếu tố tín ngưỡng – tôn giáo Đạo giáo. Theo đó,
Thứ nhất, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên.
Thứ hai, hàm chứa các nghi thức, nghi lễ mang tính tôn giáo – Đạo giáo
- TÍNH TÍN NGƯỠNG – TÔN GIÁO TRONG MỐI QUAN HỆ VỚI TẾT THANH MINH
Phương Đông nói chung, Người Việt nói riêng, đối với việc thờ cúng, chôn cất tổ tiên sau khi chết mang ý nghĩa vô cùng to lớn, chứa đựng yếu tố nhân văn, văn hoá, đạo đức triết lý nhân sinh hết sức sâu sắc, thể hiện ý nghĩa “uống nước nhớ nguồn” “ăn quả nhớ người trồng cây” có lẽ ít có quốc gia – dân tộc nào trên thế giới có được giá trị văn hoá, tinh thần lớn lao như trên.
Người Việt có câu: “Sống vì mồ vì mả, chẳng ai sống vì cả bát cơm”. Trên nền văn hoá, tinh thần ấy tết Thanh Minh của người Việt có ý nghĩa nhằm tuyên truyền, giáo dục cho con cháu. Trước hết, biết nhớ ơn công sinh thành, giáo dưỡng, duy trì nếp văn hoá, truyền thống của gia đình, dòng họ. Sau đó khơi dậy tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc bảo tồn, phát huy những giá trị có ý nghĩa Đạo đức lớn lao để dăn dạy con cháu.
Trong mối quan hệ mang tính tín ngưỡng – tôn giáo. Thanh Minh thường gắn liền với các hoạt động mang tính nghi lễ với các hoạt động tế lễ, cầu cúng. Nghi lễ trong tết Thanh minh cũng bao chứa tư tưởng “thiên nhân hợp nhất” ẩn chứa những nội dung phù hợp với cảnh giới giao hoà “con người hợp nhất với thiên nhiên, trời đất”, điều này phù hợp với tư tưởng của Đạo gia. Trong kinh “Thái Bình kinh – 太平經” có viết: “phu đạo, nãi thiên dã, thanh thả minh, bất dục kiến ô nhục dã” (夫道, 乃天也, 清且明, 不欲見污辱也), nghĩa là: Đạo của chồng như trời, trời quang mây tạnh, không bao giờ bị che khuất mà ô nhục”[2]. Theo nghĩa này mà luận bàn thêm ta thấy rằng, con người cá nhân và xã hội nếu luôn giữ trạng thái “trong sáng và rõ ràng trong chính mình, để không bị che lấp, ô nhục” khi ấy con người có thể tiến gần đến trạng thái của “Đạo – 道” khi ấy sẽ có được “Đạo” . Vì vậy, với sự phù trợ của “Trời trong, khí sáng, vạn vật trong sạch – 天清氣朗,萬物明潔” khi ấy khi tiến hành nghi lễ “Thanh minh” có thể giúp con người tu thân, dưỡng tính, làm cho thân tâm của con người được thành tựu đạt trạng thái “trong và sáng”. Vì vậy, từ xa xưa, tất cả các đền thờ Đạo giáo đều tổ chức các hoạt động khác nhau cho tín đồ trong lễ hội Thanh minh, một là để đáp ứng nhu cầu tưởng nhớ tín ngưỡng của tổ tiên của họ, hai là để truyền bá tư tưởng “Thanh minh” của Đạo giáo.
Về lai nguyên của vấn đề, lễ Thanh Minh bắt nguồn từ nghi lễ “tế vong chiêu hồn – 祭亡招魂” thời kì cổ đại và hoạt động “tảo mộ tế vong -掃墓祭亡 ” trải qua quá trình phát triển lâu dài của lịch sử tín ngưỡng – tôn giáo tạo thành các hoạt động nghi lễ mang tính tôn giáo.
Ở Trung Quốc, tính từ thời nhà Tống, triều đình cùng quan lại đã tổ chức nghi lễ Thanh Minh dưới sự tham gia tế lễ của các Đạo sĩ Đạo giáo. Vào thời Nam Tống, triều đình quy định rõ Hoàng Đế và Hoàng Hậu đều phải tham gia tế lễ trong dịp Thanh minh dưới sự chủ lễ của các Đạo sĩ Đạo giáo.
Theo sử sách ghi lại, vào năm Thiệu Hưng thứ mười ba thời Nam Tống (南宋紹興十三年)(1144), triều đình đã cử “bảy người hầu trong cung, mười đạo sĩ, 276 quan lại và binh lính. Thượng Nguyên dựng một tháp đèn, còn tết Hàn thực thì thì lập một chiếc cầu bắc qua … Hoàng đế và hoàng hậu sau khi qua đời, sử dụng Đạo giáo và diễn giải để làm các việc Đạo pháp” (掌宮內侍七人, 道士十, 吏卒二百七十六人, 上元結燈樓,寒食設鞦韆……凡帝後忌辰, 用道, 釋作法事 – triều đình cử “chưởng cung nội thị thất nhân, đạo sĩ thập nhân, lại tốt nhị bách thất thập lục nhân. Thượng nguyên kết đăng lâu, hàn thực thiết 鞦韆……phàm đế hậu kị thần, dụng đạo, tác pháp sự). Kể từ thời nhà Tống, dù chính thức hay dân gian, các nghi lễ Thanh minh đã được thay thế bằng các nghi lễ tôn giáo của Đạo giáo.
Vào thời nhà Minh, tục lệ “Tế lễ” rất nghiêm ngặt, có “lịch quốc” dùng để tế quốc, “lịch tỉnh” cấp tỉnh, “lịch thành” cấp quận, “lịch thị trấn ”cấp thôn. Cái gọi là “tế lễ” dùng để chỉ những lễ tế đặc biệt để an ủi những hồn ma cô đơn, hoang tàn đã chết ở nơi khác do đói kém, chiến tranh, bệnh tật và không có con cháu để cúng tế.
Kể từ thời nhà Minh, Đạo giáo cũng đã tổ chức lễ “Thành Hoàng tam tuần hội – 城隍三巡會” được tổ chức trong đền miếu, cung quán
thờ thần Thành hoàng. Ý nghĩa của nghi lễ này là “tế lịch – 祭歷” tức tế lễ Thanh minh. Sau triều nhà Thanh, quan lại và dân chúng vẫn duy trì hoạt động tế lễ này và phát triển lớn mạnh tạo thành hệ thống lễ hội Thanh minh.
Các nghi lễ của Đạo giáo được tổ chức trong lễ hội thanh minh thường bao gồm các pháp hội: “Thanh Minh Tát Tổ Thiết Quán Thí Thực Siêu Độ Pháp Hội”, còn được gọi là “Toàn Chân Thanh Huyền Tế Luyện Thiết Quán Thi Thực” hoạt động này chủ yếu là pháp hội tế lễ cho dân chúng cúng lễ Thanh minh, siêu độ cho tổ tiên, cầu phúc, giải tai ách. Theo quan niệm của Đạo giáo, Lễ Thanh minh hàm chứa những giá trị lớn lao về mặt tinh thần, đạo đức, thể hiện tinh thần hiếu thảo của con cháu đối với tổ tiên.
Ngoài ra, trong lễ Thanh minh, Đạo giáo còn tổ chức một số các nghi lễ quan trọng nhắm cúng tế thần linh, cầu thần linh che chở độ cho
vong linh của các gia đình như: “Lợi u bạt khổ -利幽拔苦 ”, “Chẩn tế cô hồn – 賑濟孤魂”, “Thùy khoa độ vong – 垂科度亡”, nhằm phổ độ chúng sinh. Dân gian thường gọi là “thiết quán diễm khẩu – 鐵罐焰口”. “phóng diễm khẩu -放焰口 ”. Sau khi lập nên các đàn tràng, thỉnh mời Đạo sĩ niệm chú, tác pháp dâng cúng đồ lễ, thức ăn, phẩm vật để cúng hiến, tiếp tế cho vong linh tổ tiên.
Thông qua các hoạt động nghi lễ long trọng và trang nghiêm, các vị thần có thể nhận biết được tấm lòng hiếu thảo, công đức của con cháu đối với thần linh, tổ tiên và báo đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, phù hộ độ trì, thịnh vượng, vạn sự như ý; những người chết thoát khỏi biển khổ, sử chi đắc đạo, siêu thoát, vãng sinh thiên giới, vĩnh li khổ hải.
Theo Đạo giáo, Lễ hội Thanh minh tượng trưng cho sự xuất hiện của mùa xuân, sự trở lại của sức sống trên trái đất và sự trở lại của năng lượng dương. Đây không chỉ là ngày lễ tôn vinh các vật sống, hóa vật của người sống mà còn là lễ hội tưởng nhớ công ơn các bậc tiền nhân đã khuất. Nói một cách dễ hiểu, lễ hội Thanh minh là một biểu hiện quan trọng của đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam đặt chữ hiếu lên hàng đầu. Trong hàng nghìn năm, các chủ đề tâm linh trong Lễ hội Thanh minh đã được tích hợp với tư tưởng, tình cảm và đức tin của Đạo giáo, thâm nhập và ảnh hưởng lẫn nhau, đồng thời hình thành nên đạo đức sống và khí chất tinh thần độc đáo của dân tộc Việt Nam.
[1] Đạo trưởng. Nguyễn Tử Kính trụ trì tổ đình Đại La Quán, Sóc Sơn, Hà Nội.
[2] Dịch theo quan điểm của tác giả.