Đối tượng thờ cúng trong một số cơ sở đạo giáo ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ hiện nay
PGS.TS. CHU VĂN TUẤN
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Tóm tắt: Hiện nay, ở khu vực Đồng bằng Sông Hồng đã xuất hiện một số cơ sở Đạo giáo, hay còn gọi là các Đạo quán, nơi thờ cúng các vị thần linh Đạo giáo và thực hành Đạo giáo. Trong số các cơ sở Đạo giáo này, có cơ sở được xây dựng mới, có cơ sở được phát triển từ các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo vốn có, như: trường hợp Đền Bà Chúa Vực, Hưng Yên. Thông qua việc khảo sát các cơ sở Đạo giáo này, bài viết tập trung giới thiệu đối tượng thờ cúng hay các vị thần linh Đạo giáo đang được thờ cúng tại 3 cơ sở, mà không trình bày hệ thống thần linh Đạo giáo nói chung, qua đó góp phần nghiên cứu về thực trạng Đạo giáo ở Việt Nam hiện nay.
Từ khóa: Đạo giáo; đối tượng thờ cúng; cơ sở/quán Đạo giáo, Đồng bằng Bắc Bộ.
Abstract
Currently, in the Red River Delta area appears a number of Taoist facilities, also known as Taoist temples, where worshiping Taoist deities and practices. Some Taoist facilities are new establishments, some are rebuilt based on the religious existing establishments such as Ba Chua Vuc Temple in Hung Yen. Through surveying these Taoist facilities, the article focuses on introducing objects of worship or Taoist deities at three establishments. Thereby, this paper contributes to research on the current situation of Taoism in Vietnam.
Keywords: Taoism; object of worship; Taoist facilities, Taoist temples, Red River Delta.
Dẫn nhập
Thời gian gần đây, xuất hiện một số cơ sở thờ tự của Đạo giáo ở khu vực Đồng bằng Bắc Bộ. Trong số này, có những cơ sở được xây mới hoàn toàn, có cơ sở phát triển từ các cơ sở thờ tự sẵn có[1]. Có thể nói, các cơ sở Đạo giáo này thực sự là những Đạo quán của Đạo giáo mà không thể lẫn với các cơ sở thờ tự khác như đình, đền, miếu, chùa, v.v…Điều đáng nói, các cơ sở này được xây dựng một cách mà theo chúng tôi là khá bài bản từ đối tượng thờ cúng cho đến cách bài trí và việc thực hành nghi lễ. Đây là một hiện tượng mà chúng tôi cho rằng rất đáng nghiên cứu. Bởi việc xuất hiện các cơ sở thờ tự Đạo giáo trong thời gian qua mang nhiều ý nghĩa quan trọng. Trước hết, điều đó cho thấy sự phục hồi của Đạo giáo, vốn là một tôn giáo được du nhập lâu đời vào Việt Nam nhưng hầu như chỉ tồn tại trong các sinh hoạt và thực hành tín ngưỡng, tôn giáo của người dân mà không tồn tại giống các tôn giáo có tổ chức giáo hội, như Phật giáo hay Công giáo…. Các đạo quán trước đây đã bị chuyển thành đền, chùa, đình… từ lâu cho nên hầu như, rất ít người hình dung được một đạo quán như thế nào, đối tượng thờ cúng ra sao, các nghi lễ diễn ra như thế nào, v.v.. Tiếp nữa, sự xuất hiện các cơ sở Đạo giáo thời gian qua đã cho thấy hiện tượng chuyển biến từ Đền thành Đạo quán, như trường hợp của Đền Bà Chúa Vực. Đây chắc chắn là những chủ đề nghiên cứu thú vị. Đồng thời, việc xuất hiện các cơ sở Đạo giáo nói trên cũng đặt ra những vấn đề đối với công tác quản lý nhà nước về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.
Dựa trên việc khảo sát 3 cơ sở của Đạo giáo ở khu vực Đồng bằng Bắc Bộ hiện nay là: Sơn Nam quán (Đền Bà Chúa Vực), Quán Tam Quan và Lương Sơn tiên quán[2], chúng tôi bước đầu phác họa về đối tượng thờ cúng tại 3 cơ sở này, đồng thời đưa ra một số so sánh, nhận xét về đối tượng thờ cúng và cách bài trí tại 3 cơ sở nêu trên.
1. Khái lược một số Đạo quán ở khu vực Đồng bằng Bắc Bộ hiện nay
Lương Sơn tiên quán
Đạo quán có địa chỉ tại huyện Lương Sơn, Hòa Bình, cách Hà Nội khoảng 45 km. Lương Sơn tiên quán do tu sỹ Nguyễn Tông Nhuệ, một trong số rất ít các vị tu sỹ Đạo giáo ở Việt Nam hiện nay sáng lập và xây dựng. Đạo quán này được hình thành cách đây 2 năm và hiện vẫn đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện. Khác với một số đạo quán khác, nơi bài trí các đối tượng thờ cúng tại Lương Sơn tiên quán là các khu vực trong hang động. So với Sơn Nam quán (Đền Bà Chúa Vực) và Tam Quan quán thì có thể nói Lương Sơn tiên quán có không gian thờ cúng rộng rãi, chính vì vậy, các đối tượng thờ cúng cũng phong phú, đa dạng hơn. Trong chuyến điền dã của chúng tôi vào ngày 12/9 vừa qua, Lương Sơn tiên quán đang xây dựng ban thờ Bà Chúa Thượng Ngàn. Cụ thể, việc bài trí ở đây như sau:
Thanh Linh động: đây được xem là chính điện, là nơi thờ tự nhiều vị thần linh: hàng trên cùng là 3 vị Tam Quan tức là Hạ Nguyên giải ách Thủy Quan (Thủy Quan), Thượng Nguyên ban phúc Thiên Quan (Thiên Quan) (Lễ Thượng Nguyên), Trung Nguyên xá tội Địa Quan (gọi tắt là Địa Quan) (Lễ Trung Nguyên, rằm tháng 7); hàng thứ hai gồm có các vị: Thái Bạch Kim Tinh, Táo Quân, Dược Vương Tiên Y, Lỗ Ban; hàng thứ 3 gồm có Trần Triều Hưng Đạo Đại Vương, tiếp theo là các vị Nam Tào, Bắc Đẩu, Thái Âm Tinh Quân, Thái Dương Tinh Quân, Liễu Hạnh Công Chúa, Phù Đổng Thiên Vương, Tản Viên Sơn Thánh, Chử Đồng Tử, Tứ Trực Công Tào (cai quản ngày giờ và 4 mùa xuân, hạ, thu, đông), Thiên Lý Nhãn, Thuận Phong Nhĩ.
Diêu Trì cung: hàng trên cùng thờ Kim Tây Vương Mẫu tương truyền là vợ của Ngọc Hoàng Thượng Đế, Cửu Thiên Huyền Nữ (tương truyền là em gái thứ nhất của Ngọc Hoàng), Hoàng Thiên Hậu Thổ (tương truyền là em gái thứ hai của Ngọc Hoàng). Hàng thứ hai thờ Bà chúa Thượng Ngàn, Liễu Hạnh công chúa và Quan Âm Đại Sỹ Từ Hàng Chân Nhân.
Động Tam Thanh: đây là nơi thờ cúng nhiều vị thần linh Đạo giáo. Trấn giữ ngoài cửa là bức tượng Vương Linh Quang với tạo hình tóc đỏ, râu đỏ; tiếp theo là tượng của Thái Ất Chân Nhân; Ban thờ Võ Tài Thần Trần Triều; ban thờ Tam Thanh (gồm 3 vị Ngọc Thanh, Thượng Thanh, Thái Thanh); Ban thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế gồm tượng Ngọc Hoàng Thượng Đế ở chính giữa, hàng trên cùng, bên cạnh có tiên đồng, ngọc nữ; các hàng phía trước có tượng của Tây Vương Mẫu, Đông Hoa Đế Quân, Đẩu Mẫu Nguyên Quân, Thái Ất Thiên Đế, Thái Bạch Kim Tinh; Ban thờ Hoàng Thiên Hậu Thổ: chính giữa là tượng của Hoàng Thiên Hậu Thổ, hai bên cạnh là tượng Khố Cung Thần và Chúa Kho Ngân Khố.
Ngoài ra, các đối tượng thờ cúng ở Lương Sơn tiên quán còn được bài trí ở các nơi như Động Quan Âm (nơi thờ Quan Âm Đại Sỹ Từ Hàng Chân Nhân), Tứ Ngự Cung (thờ 4 vị: Tử Vi Đại Đế, Trường Sinh Đại Đế, Câu Trần Đại Đế, Hoàng Thiên Hậu Thổ), nơi thờ Thần Nông Viêm Đế, Huyền Thiên Trấn Vũ, Tháp Văn Xương, Mạnh Bà Thần, Địa phủ, Miếu Thành Hoàng, Ban thờ Thổ Địa, Sơn Thần, Long Vương Cung, v.v..
Sơn Nam quán (Đền Bà Chúa Vực)
Đạo Quán Sơn Nam – Đền Bà Chúa Vực có địa chỉ tại Thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên, nằm trong khu du lịch Sơn Nam Plaza cách Hà Nội khoảng 40 km. Ban đầu, đây là Đền Bà Chúa Vực nơi thờ tự Thiên phi Linh Uyên Thánh Mẫu Thủy Cung (người dân quen gọi là bà Chúa Vực vì có công giúp dân trị thủy) vốn có từ lâu đời. Sau này[3] được phát triển, phối thờ các vị thần linh Đạo giáo nên được gắn thêm tên Sơn Nam quán. Cụ thể, cách bài trí đối tượng thờ cúng tại Sơn Nam quán như sau:
Ban thờ Thiên Phi Linh Uyên Thánh Mẫu Thủy cung (Bà Chúa Vực) được xem như thần chủ của đền/quán. Ban thờ Đẩu Mẫu Nguyên Quân có tượng Đẩu Mẫu Nguyên Quân tạo hình khá giống Bồ Tát với 8 cánh tay, hai cánh tay phía trước trong tư thế Bồ Tát chuẩn đề, hai bên cạnh là tượng Cửu Tinh Đại Đế và Thất Tinh Bắc Đẩu. Ban thờ 3 vị Tam Quan: Hạ Nguyên giải ách Thủy Quan (Thủy Quan), Thượng Nguyên ban phúc Thiên Quan (Thiên Quan) (Lễ Thượng Nguyên), Trung Nguyên xá tội Địa Quan (gọi tắt là Địa Quan) (Lễ Trung Nguyên, rằm tháng 7).
Ban thờ Ngọc Hoàng thượng đế, hai bên có Nam Tào, Bắc Đẩu, phía trước có tượng Hùng Vương Thánh tổ; Ban thờ Đức Thánh Trần Triều Hưng Đạo Đại Vương được bài trí trang trọng, phối thờ với nhiều vị quan của triều Trần; Ban thờ Thái Bạch Kim Tinh Tài Bạch Khố Cung Thần; Ban thờ Tứ Bất Tử; Ban thờ Thái Dương Tinh Quân; Thái Âm Tinh Quân; Ban thờ Chúa Sơn Trang; Ban thờ Văn Xương Đế Quân; Ban thờ Thổ địa (ở phía ngoài), Thành Hoàng (Thiên Hạ Long Đô Thành Hoàng Đại Vương[4]) (ở ngoài); Ban thờ Đệ nhất phẩm Ông Hoàng Mười Quan (bên trái), Đệ nhị phẩm Ông Hoàng Bảy Quan (bên phải), chính giữa là Đệ tam phẩm Ông Hoàng Bơ Quan; phía trước có ngũ hổ; Ban thờ Thái Ất Chân Nhân Thập phương cứu khổ Thiên Tôn; Ban thờ Táo Vương phủ; Ban thờ Cửu Thiên Huyền Nữ; Ban thờ Hoàng Thiên Hậu Thổ; Ban thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Tả Ao Tiên sinh, v.v.. Đặc biệt, trong Sơn Nam quán có thờ Bác Hồ.
Đông Nhạc cung (Thập điện Diêm Vương) được bố trí riêng một gian bên cạnh. Bài trí của Đông Nhạc cung như sau: Chính giữa là tượng Đông Nhạc Đại đế với bàn tính thần, hai bên có Âm Dương sư và Phong Đô đại vương, hai bên cạnh là thập điện Diêm Vương, từ số 1 đến số 10.
Ngoài ra, có các bức tranh của Trương Thiên Sư, Lỗ Ban tổ sư, Dược Vương Tiên Y, Vương Linh Quang, Trấn Vũ Đại Đế, Tứ Đại Nguyên Soái, Thủy Thần, Hỏa Thần, các bức tranh các sao, như: La Hầu, Kế Đô, … các bức tranh lục thập hoa giáp[5], v.v..
Tam Quan quán
Quán có địa chỉ tại xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, Hà Nội. So với 2 đạo quán nói trên, Tam Quan quán có diện tích nhỏ hơn, tuy nhiên, về đối tượng thờ cúng thì cũng khá đầy đủ và khá tương đồng với hai đạo quán nói trên. Trong chính điện, ở giữa là tượng ba vị Tam Quan, phía trước 3 vị Tam Quan là Tứ Trực Công Tào; Ban thờ Đẩu Mẫu Nguyên Quân, bên cạnh có Bắc Đẩu Thất Tinh và Cửu Tinh Đại Đế[6]; Ban Đông Nhạc Đại đế với Bàn tính thần[7]; Tiếp theo là tượng thờ các vị Dược Vương Tiên Y, Thái Ất Chân Nhân, Táo Vương, Trương Thiên Sư, Võ Tài Thần, Trấn Vũ Đại Đế, Thần Nông Viêm Đế, Lỗ Ban Tổ sư, Cửu Thiên Huyền Nữ, Thái Bạch Kim Tinh, Văn Xương Đế Quân, Thái Thượng Lão Quân[8], Hoàng Thiên Hậu Thổ, v.v.. Ngọc Hoàng Thượng Đế được thờ ở một ban trang trọng; ngồi cùng hàng với Ngọc Hoàng là Tây Kim Vương Mẫu[9]; ban thờ Ngọc Hoàng có phối thờ các vị thần linh khác, như: Hùng Vương Thánh Tổ, Tứ Bất Tử. Mặc dù ban thờ Ngọc Hoàng đã phối thờ Tứ Bất Tử, nhưng Liễu Hạnh Công Chúa lại được thờ riêng một ban với tiên đồng, ngọc nữ bên cạnh. Ngoài ra còn có ban thờ Thành Hoàng Đại Vương, Thổ địa, v.v…
2. Về vị trí và chức năng của các đối tượng thờ cúng tại 3 cơ sở đạo giáo này
Qua nội dung vừa trình bày ở trên, chúng ta đã thấy được các đối tượng đang được thờ cúng hay hệ thống thần linh tại 3 cơ sở Đạo giáo mà bài viết đề cập. Trong phần tiếp theo, bài viết giới thiệu về vị trí, vai trò, chức năng của các đối tượng này nhưng không đi sâu trình bày về nguồn gốc của các đối tượng đó, nội dung này sẽ dành cho những nghiên cứu tiếp theo của chúng tôi.
Tam Thanh (hay còn gọi là Tam Thanh Lão Tổ): Đây là tên gọi tắt của 3 vị: Ngọc Thanh Nguyên thủy Thiên Tôn (Ngọc Thanh), Thượng Thanh Linh Bảo Thiên Tôn (Thượng Thanh), Đạo Đức Thiên Tôn (Thái Thanh hay chính là Thái Thượng Lão Quân). Cần lưu ý, Thái Thượng Lão Quân chính là Lão Tử. Nguyễn Duy Hinh trong Người Việt Nam với Đạo giáo đã viết: “Thái Thanh cung là nơi thờ Thái Thượng Lão Quân, tức Lão Tử, hay còn gọi Đạo Đức Thiên Tôn”[10]. Tam Thanh là 3 vị thần linh tối cao của Đạo giáo, đại diện cho cõi vô sắc giới. Trong 3 vị này, Ngọc Thanh đứng đầu, đây là vị được xem là có trước vạn vật, xuất hiện khi vũ trụ còn trong trạng thái “hỗn độn”. Trong bài viết của mình, Phan Văn Các dẫn Chân linh vị nghiệp đồ của Đào Hoằng Cảnh cho rằng cấp độ cao nhất của các vị thần linh Đạo giáo chính là Nguyên thủy Thiên Tôn. Tương truyền Ngài “sinh trước Thái Nguyên, bẩm thụ cái khí của tự nhiên, xông đến cõi không, ngưng ở cõi xa, không ai biết đâu là cùng cực”[11]. Cũng trong Chân linh vị nghiệp đồ của Đào Hoằng Cảnh, Thái Thượng Lão Quân được xếp ở cấp độ thứ tư và được xem chính là Lão Tử.
Ngọc Hoàng Thượng Đế. Trong các đạo quán, Ngọc Hoàng thường được thờ ở một ban riêng biệt, bên cạnh tượng Ngọc Hoàng thường có tiên đồng, ngọc nữ đứng hầu bên cạnh. Trong Đạo giáo, Ngọc Hoàng Thượng Đế có vai trò cai quản các vị thần linh cả tam giới: cõi trời, cõi người và địa phủ. Mọi hoạt động của con người khi sống và sau khi chết đều do Ngọc Hoàng quyết định. Thế nhưng, có quan điểm lại cho rằng, Ngọc Hoàng Thượng Đế cai quản mọi vật, nhưng vị thần này chỉ được nhắc đến tên mà không có vai trò gì[12].
Tứ Ngự: bao gồm Tử vi Đại đế, Trường Sinh Đại Đế, Câu Trần Đại Đế, Hoàng Thiên Hậu Thổ. Trong Người Việt Nam với Đạo giáo, Nguyễn Duy Hinh cho rằng: “Tứ Ngự là tên thần Đạo giáo. Đó là 4 vị thiên đế phò tá Tam Thanh trong Thiên giới Đạo giáo. Tên đầy đủ của các vị đó là: Một, Hạo thiên kim khuyết chí tôn Ngọc Hoàng đại đế; hai, Trung thiên tử vi bắc cực Thái Hoàng đại đế; ba, Câu trần thượng cung nam cực Thiên Hoàng đại đế; bốn, Thừa thiên hiệu pháp Hậu Thổ hoàng địa kỳ”[13]. Như vậy, 4 vị trong tứ ngự đang được thờ phụng ở các quán đạo giáo hiện nay có khác so với quan điểm của Nguyễn Duy Hinh cũng như một số nhà nghiên cứu khác.
Thần Nông Viêm Đế, đây là một vị thần được tôn thờ với vai trò dạy dân săn bắn, trồng trọt cũng như các nghề nghiệp khác. Tại đền Sơn Nam quán, Thần Nông Viêm Đế được tạo hình từ một tảng đá trong tư thế nằm, được đặt ở sân trước của đền. Còn tại Lương Sơn tiên quán, thần được tạo hình trong tư thế ngồi, bên cạnh là các loài hươu nai. Trong khi đó, tại Tam Quan quán, Thần Nông Viêm Đế được tạo hình bức tượng ngồi tay cầm bông lúa.
Hùng Vương Thánh Tổ, là vị vua lập nên nhà nước Văn Lang, mở đầu cho lịch sử 4000 năm dựng nước, giữ nước của dân tộc. Ngày nay, việc thờ cúng Hùng Vương đã trở thành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và ngày giỗ của Hùng Vương đã trở thành Quốc giỗ, thể hiện truyền thống và đạo lý uống nước nhớ nguồn, tôn thờ những người có công với dân tộc. Tại các đạo quán, tượng Hùng Vương Thánh Tổ và nơi thờ tự được bày trí trang trọng. Tại Lương Sơn tiên quán, tượng Hùng Vương được đắp nổi trên vách núi.
Đức Thánh Trần (Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn), vị anh hùng dân tộc thời Trần. Sau khi ông mất đã được các triều đại phong kiến Việt Nam phong thần, được nhân dân trên cả nước thờ phụng tại nhiều cơ sở khác nhau, như: đình, đền, miếu, chùa,… đồng thời, ông cũng trở thành một vị thần của Đạo giáo, được thờ trong các quán đạo giáo ở Việt Nam. Trong các đạo quán, ban thờ Đức Thánh Trần được đặt ở vị trí trang trọng, được phối thờ với các vị Yết Kiêu, Dã Tượng. Đặc biệt, tại Lương Sơn tiên quán, Đức Thánh Trần không chỉ được thờ phụng với ý nghĩa của một vị thần linh có vai trò hộ quốc an dân, mà còn được thờ với ý nghĩa là một vị tài thần. Ban thờ Võ Tài Thần Trần Triều được bài trí trong động Tam Thanh, với bức tượng Võ Tài Thần Trần Triều Cửu Thiên Vũ Đế cưỡi con sư tử trắng, hai bên có Yết Kiêu và Dã Tượng, phía trước có tượng của 4 vị quan, ngũ hổ.
Tứ Bất tử: Tản Viên Sơn Thánh, Chử Đồng Tử, Phù Đổng Thiên Vương (Thánh Gióng), Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Trong cả 3 đạo quán chúng tôi khảo sát, Tứ Bất tử đều thấy xuất hiện. Trong Tứ bất tử, Tản Viên Sơn Thánh tượng trưng cho sức mạnh và khát vọng chiến thắng thiên tai; Phù Đồng Thiên Vương tượng trưng cho tinh thần bất khuất và sức mạnh chiến thắng giặc ngoại xâm; Chử Đồng Tử tượng trương cho tình yêu còn Thánh Mẫu Liễu Hạnh là biểu tượng của sự giải phóng người phụ nữ. Tứ Bất tử đã được các triều đình phong kiến phong thần và được thờ phụng ở rất nhiều cơ sở thờ tự cũng như ở các vùng miền khác nhau trên cả nước.
Đông Nhạc Đại Đế, đây là vị thần cai quản địa ngục, được tạo hình gắn với bàn tính để tính toán số mệnh con người. Dưới quyền của Đông Nhạc Thánh Đế có 10 vị Diêm Vương cai quản 10 cửa địa ngục.
Quan Âm Đại Sỹ Từ Hàng Chân Nhân, đây là vị thần linh được tạo hình như Quan Thế Âm Bồ Tát, được thờ riêng với tiên đồng, ngọc nữ đứng hầu bên cạnh với vai trò cứu khổ, cứu nạn, che chở cho con người.
Vương Linh Quang, đây được xem như vị Hộ pháp, thường đứng phía trước cửa đạo quán với vai trò bảo vệ.
Huyền Thiên Trấn Vũ, đây là một vị thần chủ phương Bắc, có công lao trong việc phò trợ các đời vua diệt yêu tinh, xây thành, đánh giặc, chính vì vậy Thần có vai trò và chức năng quan trọng là bảo vệ triều đình, sự bình an của người dân, trừ yêu tà, quỷ thần, v.v…
Trương Đạo Lăng, là người sáng lập Ngũ Đấu Mễ đời vua Hán Thuận Đế, sau được tôn là Trương Thiên Sư, ông tổ của phái Chính Nhất giáo. Chính Nhất giáo cùng với Toàn Chân giáo (do Vương Trọng Dương sáng lập) là hai phái Đạo giáo lớn ở Trung Quốc có chủ trương khác nhau. Nếu như Toàn Chân giáo chú trọng tọa thiền, thì Chính Nhất giáo lại chú trọng phù lục và ngoại đan[14].
Ngoài ra, các đạo quán trong phạm vi nghiên cứu của bài viết còn thờ rất nhiều vị khác với các chức năng phù trợ về học hành, nghề nghiệp, tiền tài, sức khỏe, bình an, cứu khổ cứu nạn… như: Thái Ất Chân Nhân, Văn Xương Đế Quân, Thái Âm Tinh Quân, Thái Dương Tinh Quân, Lỗ Ban Tổ Sư, Dược Vương Tiên Y, Long Vương, Mạnh Bà Thần, Long Đỗ Thành Hoàng, Sơn Thần, Thổ Thần, Bà Chúa Thượng Ngàn, Bà Chúa Sơn Trang, các ông hoàng (ông Hoàng Bảy, Ông Hoàng Bơ,…), v.v… Theo lời của một vị tu sỹ Đạo giáo tại Lương Sơn tiên quán cho biết Đạo giáo thờ rất nhiều các vị thần linh sắp xếp theo hệ thống như Thái Thượng Lão quân, dưới là Ngọc Hoàng, Thần Nông Viêm Đế, Hùng vương Thánh Tổ, Tứ Bất tử, Tứ Trấn… thờ Tổ tiên, Thổ địa, Thành Hoàng, Táo Vương, … thờ các vị tổ sư, tổ sư nghề mộc, nghề may, xây dựng, y, võ thuật; Đạo giáo còn thờ các vì sao, v.v…[15].
3. Một số nhận xét về đối tượng thờ cúng tại các cơ sở Đạo giáo
Qua trình bày ở trên cho thấy, đối tượng thờ cúng, hay hệ thống thần linh của Đạo giáo vô cùng phong phú, đa dạng, bao gồm cả những nhiên thần và nhân thần, trong đó có những vị là truyền thuyết, nhưng có những vị là anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước, sau khi mất được nhân dân thờ cúng, được các triều đại phong kiến phong thần. Có những vị có nguồn gốc Trung Quốc (như Trương Thiên Sư), có những vị là thần linh, là anh hùng dân tộc của Việt Nam. Sự phong phú của các đối tượng thờ cúng tại các cơ sở Đạo giáo nói trên về nguồn gốc, chức năng cho thấy sự dung hợp của nhiều loại hình tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau, nhất là các tôn giáo truyền thống như tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng thờ thành hoàng, tín ngưỡng thờ Mẫu, tín ngưỡng nông nghiệp, tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng thờ thần tài, tín ngưỡng thờ tổ nghề, v.v… Qua chi tiết Bác Hồ được đưa vào hệ thống thần điện Đạo giáo đã cho chúng ta thấy hệ thống thần linh Đạo giáo được bồi đắp liên tục qua thời gian, đây là một đặc điểm cần lưu ý khi nghiên cứu sự phát triển của hệ thống thần linh Đạo giáo Việt Nam.
Theo tác giả Phan Ngọc trong bài viết Đạo giáo đã cho rằng, Đạo giáo đã xây dựng một thiên đình hết sức độc đáo. Thiên đình Đạo giáo gồm có các thiên thần, địa kỳ, các tiên nhân, các nhân quỷ. Các thiên thần gồm Tam Thanh, Tứ Ngự, Tam Cung, Mặt Trăng, Mặt Trời, các sao, các thần: Gió, Mưa, Sấm, Chớp. Mỗi tên như vậy chỉ một nhóm thần. Tam Thanh bao gồm Ngọc Hoàng, Nguyên Thủy Thiên Tôn, Thượng Thanh hay Thái Thượng Lão Quân, tức Lão Tử, người thực tế cầm đầu đạo giáo. Ngũ vương Lão quân là năm ông vua ở năm phương: Thanh đế, Xích đế, Hoàng đế, Bạch đế, Hắc đế tương ứng với các phương trong ngũ hành. Tứ ngự gồm 4 vị thần: Ngọc Hoàng Đại đế trông coi đạo trời của Đạo giáo, Thiên Hoàng Đại đế trông coi các ngôi sao, Mặt Trăng, Mặt Trời, sự vận hành của bốn mùa, Hậu thổ trông coi âm dương, sự sinh sản của vạn vật.
Các địa kỳ bao gồm Thổ địa, các thành hoàng, các thần xã tắc, Ngũ nhạc (năm ngọn núi nổi tiếng), Tứ độc (bốn con sông dài nhất), các thần núi, thần sông. Các tiên nhân và nhân quỷ bao gồm các Tiên thánh, Tiên tổ, Tiên sư, những người có công đức ở nhân gian, các đạo sỹ đã tu luyện thành tiên, trong đó có 8 vị tiên thường được vẽ là: Lý Thiết Quày, Hán Chung Ly, Trương Lão Quả, Hà Tiên Cô, Lam Thái Hòa, Lã Đồng Tân, Tào Quốc Cậu[16].
Như thế có thể thấy, hệ thống thần linh Đạo giáo rất phong phú, đa dạng phản ánh tín ngưỡng đa thần của cư dân nông nghiệp, sinh sống trong khu vực địa lý có những điều kiện tự nhiên đa dạng về hệ sinh vật, khí đậu, môi trường, v.v.. Tuy nhiên hệ thống này không phải được sắp xếp một cách tùy tiện, mà theo những hệ thống nhất định. Như trong bài viết của Phan Văn Các mà chúng tôi đã dẫn ra ở trên, đạo sỹ Đào Hoằng Cảnh (456-536) thời Nam Bắc triều đã đưa ra sách Chân linh vị nghiệp đồ nhằm hệ thống hóa các vị thần linh Đạo giáo. Trong sách này, Đào Hoằng Cảnh đã tập hợp và hệ thống được 700 vị thần tiên của nhiều nhánh phái Đạo giáo khác nhau với 7 cấp bậc, mỗi bậc có một vị thần cai quản[17], hệ thống này sau đã được bổ sung, phát triển qua các giai đoạn, có những vị được bổ sung vào nhưng có những thần linh luôn duy trì vị trí và chức năng trong hệ thống này.
Qua khảo sát 3 đạo quán, chúng tôi nhận thấy, cách bài trí và các đối tượng thờ cúng khá giống nhau. Cách tạo hình các đối tượng thờ cúng khá giống nhau cho thấy vị trí, vai trò của các vị thần linh về cơ bản là khá thống nhất trong cả 3 cơ sở thờ tự và về cơ bản, cả 3 cơ sở đạo giáo này đều có các đối tượng thờ cúng phụ trách tại cõi trời, cõi người và địa phủ. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi việc xây dựng, bài trí các đối tượng thờ cúng ở các cơ sở này đều do tu sỹ Nguyễn Tông Nhuệ thực hiện. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, cũng có một số khác biệt nhỏ giữa các đạo quán nói trên. Trước hết, nếu như Tam Quan quán và Sơn Nam quán đều thờ Trương Thiên Sư (Trương Đạo Lăng), ông tổ phái Chính Nhất của Đạo giáo thì Lương Sơn tiên quán – cơ sở được xây dựng sau – không có tượng thờ của Trương Thiên Sư. Trong khi Tam Quan quán và Sơn Nam quán bài trí, phối thờ các vị thần linh có nguồn gốc Trung Quốc và Việt Nam, thì Linh Sơn tiên quán chú trọng bài trí các vị thần linh có nguồn gốc Việt Nam trong các ban/điện thờ riêng. Việc tạo hình các đối tượng thờ cúng ở Lương Sơn tiên quán theo chúng tôi là mang màu sắc Việt Nam hơn so với Tam Quan quán và Sơn Nam quán.
Khi so sánh các tài liệu mà bài viết đã đề cập trên đây với những đối tượng thờ cúng tại các quán Đạo giáo cho thấy có sự chưa thống nhất. Trước hết, Phan Văn Các thì cho rằng Thái Thượng Lão Quân chính là Lão Tử, nhưng ở 3 quán Đạo giáo mà bài viết đề cập, Lão Tử chỉ là một trong những hiện thân của Thái Thượng Lão Quân. Giữa quan điểm của Phan Ngọc và Phan Văn Các cũng có sự khác nhau về tên hiệu của Thái Thượng Lão quân. Phan Văn Các cho rằng là Thái Thanh, trong khi Phan Ngọc cho rằng Thượng Thanh[18], trong khi đó, ở các quán đạo giáo là Thái Thanh (Đạo đức thiên Tôn).
Một điểm khác biệt nữa là vị trí của Ngọc Hoàng Thượng Đế (hay Ngọc Hoàng Đại Đế). Trong Lương Sơn tiên quán, Ngọc Hoàng không thuộc hàng Tứ Ngự, trong khi đó, theo Lê Thị Chiêng, trong Đạo giáo, Ngọc Hoàng thuộc hàng Tứ Ngự, có nhiệm vụ cai quản chư thiên[19]. Điều này cũng tương tự như quan niệm của Trung Quốc khi cho rằng Ngọc Hoàng Thượng Đế thuộc hàng Tứ Ngự và có vị trí cao nhất trong hàng Tứ Ngự[20].
Tạm kết
Qua khảo sát về đối tượng thờ cúng và việc bài trí các đối tượng này ở 3 đạo quán hiện nay, chúng ta thấy đối tượng thờ cúng của Đạo giáo vô cùng phong phú, đa dạng bao trùm ở các không gian thời gian, lĩnh vực khác nhau, qua đó thể hiện thế giới quan, nhân sinh quan của người Việt. Trước hết, có ban thờ các vị thần linh ở cõi Trời: các ban thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế và các vị cai quản cõi Trời; có ban thờ các vị thần linh cõi người: như ban thờ các vị anh hùng dân tộc được phong thần, được tôn làm thánh như ban thờ Đức Thánh Trần; có ban thờ các vị thần linh địa phủ: ban thờ Đông Nhạc Thánh Đế, 10 vị Diêm Vương; có các ban thờ và các vị thần cai quản vùng rừng: Ban thờ bà chúa Thượng Ngàn; có ban thờ các vị thần linh cai quản vùng nước: Ban thờ Long Vương…. Hệ thống đối tượng thờ cúng tại 3 cơ sở Đạo giáo với vị trí, vai trò, chức năng khác nhau có thể nói bao trùm mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, từ cấp độ cá nhân, cộng đồng, đến quốc gia, dân tộc. Điều này góp phần thỏa mãn những nhu cầu mang tính hiện sinh của con người, trong vòng đời từ khi sinh ra, lớn lên, cho đến lúc qua đời.
Có thể nói, các đối tượng thờ cúng trong các cơ sở Đạo giáo cho chúng ta thấy quan niệm của người Việt về thế giới, về cuộc đời con người và về cuộc sống sau khi chết. Đây là những quan niệm vừa cao siêu về sự hình thành và vận hành của vũ trụ, vừa hết sức thực tế về những nhu cầu trong cuộc sống hàng ngày của con người như học hành, thi cử, sản xuất, kinh doanh, chữa bệnh tật, sinh con, dựng vợ gả chồng, v.v.. Qua nghiên cứu việc bài trí các đối tượng thờ cúng trong các cơ sở Đạo giáo hiện nay cho thấy rất rõ triết lý, truyền thống thờ cúng/tôn thờ Tổ tiên, uống nước nhớ nguồn, biểu hiện bằng việc thờ cúng Thần Nông Viêm Đế, vị thần có công dạy tổ tiên con người trồng trọt, săn bắn; bằng việc thờ cúng Hùng Vương Thánh Tổ, tổ tiên của dân tộc Việt Nam; bằng việc thờ cúng các anh hùng dân tộc có công với đất nước như Hưng Đạo Đại vương, v.v…
Trong quá khứ, quá trình bản địa hóa/Việt Nam hóa các tín ngưỡng, tôn giáo ngoại lai luôn diễn ra và điều này trở thành một đặc điểm quan trọng của văn hóa Việt Nam. Khi nghiên cứu việc bài trí các đối tượng thờ cúng tại 3 cơ sở Đạo giáo nêu trên, nhất là tại cơ sở Lương Sơn tiên quán chúng ta thấy chiếm đa số là các vị thần thánh Việt Nam. Ngoài ra, việc tạo hình các đối tượng thờ cúng cũng cho thấy bản sắc Việt Nam rõ nét. Điều đó tiếp tục khẳng định tính chất bản địa hóa/Việt Nam hóa của Đạo giáo Việt Nam khi đề cao các vị thần thánh Việt Nam, nhất là Hùng Vương Thánh Tổ, Đức Thánh Trần, Tứ Bất Tử, v.v.. trong thần điện của Đạo giáo.
Ngoài ra, qua hệ thống thần linh được thờ phụng cũng như tạo hình cho thấy có sự giao thoa, dung hợp giữa các vị thần linh Đạo giáo với Phật giáo. Đó là tượng Quan Âm Đại Sỹ Từ Hàng Chân Nhân (Bà Chúa Ba) hay Đẩu Mẫu Nguyên Quân được tạo hình như vị Phật nghìn tay nghìn mắt. Điều thú vị là, tượng Đẩu Mẫu Nguyên Quân được tạo hình với 8 cánh tay, hai cánh tay phía trước tạo hình chuẩn đề cho chúng ta liên tưởng tới sự giao thoa, dung hợp với Phật giáo Mật tông. Ngoài ra, các đối tượng thờ cúng tại các cơ sở Đạo giáo đã cho chúng ta thấy sự hỗn dung mạnh mẽ các loại hình tín ngưỡng truyền thống rất phong phú, đa dạng như bài viết đã trình bày ở trên.
Cuối cùng, việc xuất hiện các cơ sở Đạo giáo như bài viết đã trình bày cho thấy xu hướng phục hồi của Đạo giáo thời gian qua. Không chỉ có sự xuất hiện của các cơ sở Đạo giáo mà bên cạnh đó còn có sự xuất hiện của những người thực hành Đạo giáo chuyên nghiệp – đây là những yếu tố căn bản nhất của một hoạt động tôn giáo. Sự phát triển tiếp theo của Đạo giáo Việt Nam, của các cơ sở Đạo giáo vừa được phục hồi, xây dựng mới như thế nào vẫn còn rất nhiều vấn đề đặt ra cần phải giải quyết từ nhiều góc độ cả chính quyền, người dân, giới nghiên cứu khoa học, cũng như chính những người thực hành Đạo giáo. Làm sao để phát triển Đạo giáo, phát huy được những giá trị của Đạo giáo, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, đồng thời tránh những hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo này để trục lợi là một vấn đề đặt ra đối với tất cả chúng ta. /.
CHÚ THÍCH:
* Bài viết trong khuôn khổ đề tài cấp Bộ: Đạo giáo ở Việt Nam: Lịch sử, hiện trạng và xu hướng phát triển (Nghiên cứu trường hợp người Việt ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ) do Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chủ trì thực hiện.
1. Như trường hợp Sơn Nam quán – Đền Bà Chúa Vực.
2. Tên Lương Sơn tiên quán là do những người sáng lập đặt ra, nằm trong khuôn viên của gia đình và chưa phải là tên đăng ký chính thức với tư cách là một cơ sở tôn giáo.
3. Khoảng chục năm trở lại đây.
4. Chúng tôi cho rằng là Long Đỗ Đại Vương.
5. Mỗi một năm được gán cho 1 vị tướng, chẳng hạn năm Mậu Ngọ là Lê Khanh Đại Tướng quân, năm Kỷ Mùi là Phó Đảng Đại tướng quân (Tài liệu điền dã của tác giả).
6. Ở bên trái 3 vị Tam Quan.
7. Ở bên phải 3 vị Tam Quan.
8. Tượng Thái Thượng Lão Quân được bài trí ở bên ngoài trời.
9. Tương truyền là vợ của Ngọc Hoàng.
10. Nguyễn Duy Hinh (2003), Người Việt Nam với Đạo giáo, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 485.
11. Phan Văn Các (2001), Tìm hiểu Đạo giáo và phả hệ thần tiên, Nghiên cứu Tôn giáo, số 1, tr. 24-25.
12. Phan Ngọc (2000), Đạo giáo, Nghiên cứu Tôn giáo, số 3, tr. 14.
13. Nguyễn Duy Hinh (2003), Người Việt Nam với Đạo giáo, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 487.
14. Xem Chu Xuân Giao (2020), Đạo giáo thời Bắc thuộc: tổng quan, con đường du nhập và giáo phái chính yếu, Nghiên cứu Tôn giáo, số 7, tr. 87.
15. Tư liệu điền giã của tác giả năm 2019 và 2020.
16. Phan Ngọc (2000), Đạo giáo, Nghiên cứu Tôn giáo, số 3, tr. 14.
17. TS. Vũ Hồng Vận (2017), Đạo giáo và những biểu hiện trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 36.
18. Phan Ngọc (2000), Đạo giáo, Nghiên cứu Tôn giáo, số 3, tr. 14.
19. Lê Thị Chiêng (2003), Linh Tiên quán – nơi tam giáo đồng nguyên, Nghiên cứu Tôn giáo, số 3, tr. 54.
20. Mã Thư Điền (1996), Trung Quốc Đạo giáo chư thần, Nxb. Đoàn Kết, Bắc Kinh (tiếng Trung), tr. 15.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Phan Văn Các (2001), Tìm hiểu Đạo giáo và phả hệ thần tiên, Nghiên cứu Tôn giáo, số 1.
2. Lê Thị Chiêng (2003), Linh Tiên quán – nơi tam giáo đồng nguyên, Nghiên cứu Tôn giáo, số 3.
3. Mã Thư Điền (1996), Trung Quốc Đạo giáo chư thần, Nxb. Đoàn Kết, Bắc Kinh (tiếng Trung)
4. Chu Xuân Giao (2020), Đạo giáo thời Bắc thuộc: Tổng quan, con đường du nhập và giáo phái chính yếu, Nghiên cứu Tôn giáo, số 7.
5. Nguyễn Duy Hinh (2003), Người Việt Nam với Đạo giáo, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
6. Vũ Ngọc Khánh (2006), Đạo Thánh ở Việt Nam, Nxb. Văn hóa-Thông tin, Hà Nội.
7. Phan Ngọc (2000), Đạo giáo, Nghiên cứu Tôn giáo, số 3.
8. Nguyễn Khắc Thuần (2012), Đại cương lịch sử văn hóa Việt Nam, Nxb. Thông tin, Hà Nội.
9. Tư liệu điền dã của tác giả năm 2019 và 2020.
10. Vũ Hồng Vận (2017), Đạo giáo và những biểu hiện trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
11. Viện Nghiên cứu Tôn giáo (2020), Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Đạo giáo Việt Nam – Lịch sử du nhập và phát triển, tháng 9/2020, Hà Nội.
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 09 (201), 2020, 82-87