Thứ bảy, 21/12/12,2024 16:48 UTC +7
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ   Hiệp hội nghiên cứu Đạo giáo Việt Nam
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ Hiệp hội nghiên cứu Đạo giáo Việt Nam
TAOISM RESEARCH ASSOCIATION OF VIETNAM
Quay lại trang chủ

ĐẠO GIÁO TAM QUY Y

ĐẠO GIÁO TAM QUY Y
Nguồn: Long Môn
Phàm kẻ sơ học tiến nhập pháp môn của chính tông Thái Thượng Đại Đạo, bất kể người tu hay tục, tất tiên đều phải tuân theo Thái Thượng Kim Khoa Ngọc Luật, Tam Đỗng Giới Văn, một lòng cung dưỡng Đại Đạo Chân Thánh. Một mặt, kẻ ấy cúc cung tận tụy, tôn kính Huyền Tạo, mặt khác, kẻ ấy xác tín cùng đích đời mình ở nơi Đạo Cả vậy!
Tam Quy Y gồm: Quy y Đạo, quy y Kinh, quy y Sư, hợp xưng quy y Tam Bảo. Song song, Tam quy y chẳng phải là lời nói qua loa nơi môi miệng phàm thế, mà quả là chí tâm quy Thân, quy Thần, quy Mệnh lễ tạ Đạo Cả. Trước hết là Thân, nương nhờ Thái Thượng Vô Cực Đại Đạo, chẳng vạ luân hồi khổ, không đọa triển chuyển trần ai, nên xưng Đạo Bảo. Thứ đến là Thần, y theo ba mươi sáu bộ Tôn Kinh, đốn ngộ chính pháp, nên tán Kinh Bảo. Cuối cùng là Mệnh, cậy vào Huyền Trung Đại Pháp Sư, đoạn tuyệt tà kiến, nên gọi Sư Bảo.
Tam Quy Y viết: “Vô thượng Đạo bảo, đương nguyện chúng sinh, thường thị Thiên Tôn, vĩnh thoát luân hồi. Vô thượng Kinh bảo, đương nguyện chúng sinh, sinh sinh thế thế, đắc văn chính pháp. Vô thượng Sư bảo, đương nguyện chúng sinh, học tối thượng thừa, bất lạc tà kiến”. – Có thể hiểu rằng: Vô thượng Đạo, nguyện chúng sinh thường noi theo Thiên Tôn, chẳng đọa luân hồi. Vô thượng Kinh, nguyện đời đời kiếp kiếp đều nghe đặng chính pháp. Vô thượng Sư, nguyện học chứng Thượng Thừa, không rơi vào đường mê nẻo lạc.
Đại Đạo chí tinh chí diệu, hư không ảo huyền, vô danh vô hình, quả chẳng dễ dàng nắm bắt lấy. Cho nên, chẳng nương Kinh pháp, khó lòng minh hiển Huyền lý. Kinh là phương tiện tải Đạo, song ngặt lòng ý nhị áo tàng, sâu không thể dò. Theo đó, không có Sư truyền dẫn học, khó lòng đắc ngộ pháp Thần Tiên. Tam quy y chính là vấn đề đầu tiên và cũng là xuyên suốt đối với bất kỳ ai đang có lòng tin Đạo và hướng Đạo. Thành Tiên thành Thánh, ngộ Đạo đăng Chân cho đến tứ phúc xá tội, khảo hạch công quá, chẳng thể tách rời Tam Quy.
Bắc Đẩu Kinh nói: “Nhân sinh nan đắc” – kiếp người khó đặng, được thân người là một điều khó có thể sở hữu. Song, giả sử đã sở hữu thân người, thì “Chính pháp nan ngộ” – lũy tiến sự khó khăn ấy lên gấp bội chính là tương ngộ với chính pháp. Giả như chẳng có “sư truyền dẫn tiến môn”, khai thị diễn giáo, há lại có thể đốn ngộ Đại thừa chính tông, nhập hư vô diệu đạo sao? Chẳng nhập Huyền lý chính tông, thời dễ đọa lạc tà kiến, thác nhập bàng môn. Một khi nhập nơi tà vại, chính là đang dần đọa lạc luân hồi triển chuyển, khổ ải khôn cùng.
Quy y là lấy chính Thân, Thần, Mệnh nơi mình làm của lễ đẹp lòng Đạo Cả. Song song cũng chính là lấy Thân, Tâm, Ý đặng chầu về Đại La. Quy y Ý, khiến niệm niệm chẳng sinh chẳng diệt, thời có thể đắc minh Đạo Bảo. Quy y Tâm, khiến cơ chẳng chướng ngại, thời có thể đắc ngộ Kinh bảo. Quy y Thân, khiến cho hành động chẳng sai chạy, thời có thể đắc cảm Sư bảo. Như vậy, quy y Tam Bảo vừa là cửa đầu tiên, vừa là tiến trình dẫn lối đạo chúng đến với lẽ thâm sâu áo diệu Đại Huyền.
Tam Quy Y ấy, đích thị là “bản lề” trọng yếu trong cõi Thiên-Địa vũ hoàn, là căn cơ gốc gác của Đạo Thần Tiên. Phàm có kẻ nào tín tâm tuân hành, đích thị là đang kiến thiết thân tâm, khiến cho vạn khí nơi mình linh ứng diệu nghiệm. Một khi sáng tỏ chân tính mà nhập cùng huyền lý, ắt vô chương vô ngại. Phàm kẻ nào thường tuân theo Tam Quy Y, có thể khiến thiên địa khánh khoái, lục phủ an thái, chúng Thánh đồng triêm, quần Tiên phu hựu, thậm chí phụ mẫu gia quyến, thân bằng sư hữu cũng được chung hưởng phúc lành. Những ân ích trên chẳng nằm ngoài tám chữ: “Quy y Đại Đạo, Nguyên-Hanh-Lợi-Trinh” vậy!
Với quý tín sĩ tại gia, đạo tục nhân đẳng có thể đọc tụng Tam quy y thường ngày và lấy đó làm ánh đuốc soi sáng mọi nẻo đường ta đi. Nguyện xin Từ quang Thiên Tôn soi chiếu, trợ lực trên hành trình chúng sinh lựa chọn, để thoát ly khổ não, siêu xuất bến mê, đặng đăng bờ Đạo. Trí huệ là cách ta nhận biết Đại Đạo và nương tựa vào Ngài trong từng hoàn cảnh, dù thăng hoa hay đọa lạc, dù vui buồn hay sướng khổ gặp phải trong đời.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *