Thứ năm, 02/01/01,2025 14:55 UTC +7
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ   Hiệp hội nghiên cứu Đạo giáo Việt Nam
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ Hiệp hội nghiên cứu Đạo giáo Việt Nam
TAOISM RESEARCH ASSOCIATION OF VIETNAM
Quay lại trang chủ

NGUỒN GỐC CỦA ĐẠO GIÁO VÀ SỰ ẢNH HƯỞNG TỚI VIỆT NAM

Đạo giáo là một tôn giáo lớn xuất phát từ Trung Quốc và có ảnh hưởng lớn tại Việt Nam từ thời Bắc thuộc. Do thiếu các kiến thức về Đạo giáo hoặc chỉ nhìn nhận Đạo giáo một chiều nên chúng ta thường lầm tưởng rằng Đạo giáo không có ảnh hưởng lớn bằng Nho giáo và Phật giáo, nhưng trên thực tế, tôn giáo này có nền tảng lâu đời và cách phát triển phức tạp, đặc biệt là khi được truyền tới Việt Nam. Do đó, tôi xin phép được viết một loạt bài về Đạo giáo mang tính chất giới thiệu và đối chiếu, so sánh về tôn giáo này để các bạn đọc có thể có những nhận định chính xác hơn, qua đó cũng có thể hiểu hơn các phong tục và tín ngưỡng của người Việt hiện nay.

I – NHỮNG NỀN TẢNG HÌNH THÀNH

Tổ chức Đạo giáo đầu tiên tại Trung Quốc

Với một cái nhìn khái lược, chúng ta thường cho rằng Đạo giáo được hình thành từ những người sùng tín luận thuyết của Lão Tử và Trang Tử. Nhưng trên thực tế, tổ chức Đạo giáo đầu tiên được thành lập cách thời đại Lão Tử (thế kỷ IV TCN) và Trang Tử ( khoảng 365 – 290 TCN) khá xa. Tổ chức Đạo giáo ấy có tên là Ngũ đấu mễ đạo, có nghĩa là mỗi người gia nhập tôn giáo này phải nộp năm đấu gạo. Tổ chức này còn có tên gọi khác là Thiên Sư đạo hay Chính nhất đạo hoặc Mễ vu. Trước Ngũ đấu mễ đạo, những phương pháp tu luyện hay các triết thuyết đã xuất hiện nhưng chưa hình thành tổ chức. (1)

Người sáng lập Ngũ đấu mễ đạo là Trương Lăng (34 – 156), hậu duệ của Trương Lương, vị quân sư có công giúp Hán Cao Tổ Lưu Bang lên ngôi. Chỉ bắt đầu từ Trương Lăng, Lão Tử mới được tôn là thiên sư và được gọi là Thái thượng lão quân. Ông đã kết hợp Đạo Đức Kinh với Hà Đồ, Lạc Thư và các quan niệm về thiên văn, địa lý cổ xưa của Trung Quốc. Theo sách Đạo kinh của Ngũ đấu mễ đạo thì Trương Lăng đã được đích thân Thái Thượng Lão quân truyền đạo và trao nhiệm vụ cứu đời. Quy mô của Ngũ đấu mễ đạo ngay từ thời mới thành lập đã rất lớn, có đến 24 tổ chức giáo khu.

Hậu duệ của Trương Lăng là Trương Lỗ, chiếm cứ vùng Hán Trung, đặt hiệu là “Sư quân”, giáo dân theo rất đông. Họ tu luyện theo lối cầu nguyện và cấm uống rượu. Chiến đến năm 215, khi Tào Tháo đánh chiếm Hán Trung thì giáo dân ở khu vực này mới bị dời đi, nhưng Trương Lỗ vẫn được phong tước dưới sự bảo trợ của Tào Tháo, thậm chí Trương Lỗ và Tào Tháo còn kết thông gia. Chính do sự di dời giáo dân này mà Ngũ đấu mễ đạo càng được truyền bá rộng rãi ở khu vực phía Nam và Tây Nam Trung Quốc. (2)

Chịu ảnh hưởng của Ngũ đấu mễ đạo đặc biệt phải kể đến Thái Bình đạo được sáng lập dưới thời Hán Linh Đế (168 – 172). Thái Bình đạo một phần chịu ảnh hưởng của Ngũ đấu mễ đạo, một phần kết hợp với các tín ngưỡng trước đó ở phía Đông Trung Quốc. Ban đầu Thái Bình đạo do Vu Cát thành lập nhưng chỉ đến khi Trương Giác truyền đạo thì mới có sức ảnh hưởng lớn. Giáo pháp của Trương giác dựa trên tư tưởng Hoàng Lão, kết hợp thuyết âm dương ngũ hành với các loại bùa chú và tục thờ kính thần Trung Hoàng Thái Nhất. Trương Giác lấy nước bùa để trị bệnh khiến số lượng tín đồ gia tăng đột biến. (3) Sau đó Trương Giác khởi nghĩa mà sử gọi là Giặc Khăn Vàng. Cuộc khởi nghĩa này đã làm lung lay nền móng của nhà Hán. (4)

Nền tảng giáo lý của Thái Bình đạo được viết ra bởi Vu Cát. Ghi chép về Vu Cát trong lịch sử không có nhiều, chỉ biết rằng ông chính là người sáng tác quyển Thần Thư hay còn được gọi là Thái Bình Kinh và Trương Giác có khả năng là đệ tử của ông. Câu chuyện về Vu Cát được ghi chép lại trong Tam Quốc Chí về mâu thuẫn của ông với thủ lĩnh Đông Ngô lúc bấy giờ là Tôn Sách. Qua đó, ta có thể biết được rằng Vu Cát cũng có phương thức sử dụng bùa chú và trị bệnh giống với Trương Giác. (5) Vu Cát bị Tôn Sách buộc tội, muốn chém đầu, khi các tướng xin tha, Tôn Sách nói: “Trước kia người quận Nam Dương là Trương Tân làm Thứ sử Giao Châu (tức miền Bắc Việt Nam hiện nay), vứt bỏ điển huấn của thánh hiền ngày trước, phế bỏ pháp luật của nhà Hán, thường buộc khăn đỏ che búi tóc, đánh trống gẩy đàn đốt nhang, đọc sách đạo tà tục, nói là để trợ giúp giáo hóa, rút cục bị người Di phương nam giết chết. Việc đấy rất vô ích, các ngài còn chưa thấu hiểu thôi” (5). Qua lời của Tôn Sách, ta có thể thấy rằng Thái Bình đạo có nhiều màu sắc phù thủy mà Trung Quốc vẫn gọi là Vu thuật. Ở những phần sau, tôi sẽ trình bày kỹ lưỡng hơn về Vu thuật.

Ngũ đấu mễ đạo và Thái bình đạo đều có ảnh hưởng lớn đến phong cách sau này của các nhánh Đạo giáo. Thái Bình đạo ảnh hưởng đến cách ăn mặc áo vàng mũ vàng của đạo sĩ, quan niệm về thuật số, việc sử dụng trượng cửu tiết. Minh giáo thời Tống- Nguyên và Bạch Liên Giáo thời Thanh đều được gây dựng dựa trên nền tảng của Thái Bình Đạo. Ngũ đấu mễ đạo còn có ảnh hưởng lâu dài hơn. Các hào môn sĩ tộc thời Tấn mà điển hình là Vương Hi Chi, Tạ Linh Vận đều theo đạo này. Thậm chí, Ngũ đấu mễ đạo còn phát động cuộc nổi dậy “Trường sinh nhân” vào thế kỷ IV, góp phần gây dựng thế lực tạo nên nhà Đông Tấn. (2)

Các nền tảng cổ xưa của Đạo giáo

Cho đến nay, để định nghĩa một cách rõ ràng về Đạo giáo là rất khó. Đạo giáo thường bị đồng nhất với Đạo gia, tức một trường phái tư tưởng thời Tiên Tần với các triết thuyết của Lão Tử, Liệt Tử, Trang Tử… Thế nhưng Đạo giáo không hoàn toàn là giáo phái hoạt động giống như các Đạo gia Tiên Tần, thay vì đó các đạo sĩ đời sau kết hợp với Phương tiên đạo, Vu thuật và các tín ngưỡng dân gian Trung Quốc để hình thành nên Đạo giáo.

Phương Tiên đạo là khởi nguồn của tín ngưỡng Đạo giáo Thần tiên. Phương Tiên Đạo khởi phát từ vùng biển nước Yên, nước Tề thời Chiến quốc. Đây là một tôn giáo thờ quỷ thần (6). Ở thời đại của Trang Tử, phương thuật rất được ưa chuộng (7). Theo quan niệm của phương thuật, ở ngoài biển có ba ngọn núi thần là Bồng Lai, Phương Trượng và Doanh Châu. Các ngọn núi ấy có tiên và thuốc trường sinh bất lão. Dưới thời Tần Thủy Hoàng và Hán Vũ Đế, phương thuật rất phát triển. Các phương sĩ thường giúp hai vị vua này luyện đan, tìm thuốc trường sinh bất lão. Khái niệm “Tiên” cũng được đề cập đến trong quan niệm của phương thuật.

Dưới thời Hán Vũ Đế, Hoài Nam vương Lưu An cho soạn bộ Hoài Nam Hồng Liệt đã đem dâng cho vua. Hán Vũ Đế rất tán thưởng. Sách này vốn do các tân khách của Lưu An cùng nhau biên soạn, bao gồm 21 thiên. Sách là tập hợp của tư tưởng vô vi của Lão Trang, pha trộn với Nho gia, Pháp gia, Âm dương gia kết hợp với các truyền thuyết cổ đại Trung Quốc. Các tích của Đạo giáo và truyền thuyết mà chúng ta đều quen thuộc ngày nay như Nữ Oa vá trời, Hậu Nghệ bắn mặt trời, vua Vũ trị thủy, Hằng Nga bay lên mặt trăng…v…v… đều được lưu lại trong Hoài Nam Hồng Liệt. (8)

Hán Vũ Đế có chủ trương độc tôn Nho giáo, vu thuật (hình thức cầu đảo quỷ thần, yểm bùa, giải điềm, giải mộng…) bị cấm, thế nhưng phương sĩ vẫn có địa vị rất cao. Một nhân vật rất nổi tiếng thời đó là Đông Phương Sóc. “Sử ký” có chép về Đông Phương Sóc trong “Hoạt kê truyện” như một người thông kinh bác cổ và có xu hướng Nho giáo. Đông Phương Sóc luôn biết cách nói chuyện để vừa lòng nhà vua. Người tu tiên đạo rất tôn sùng Đông Phương Sóc, nhiều nơi dựng tượng thờ ông trong các đạo quán, đồng nhất ông với ông Thọ trong Tam Tinh,  lại còn có thuyết về việc Đông Phương Sóc gọi Tây Vương Mẫu đến trò chuyện với Hán Vũ Đế. Thế nhưng, trong “Hoạt kê truyện”, màu sắc thần bí này ở Đông Phương Sóc không hề được ghi lại. Trên thực tế, Đông Phương Sóc có xu hướng bài trừ các chiêu trò mê tín của phương sĩ và vu thuật. Có một khả năng rằng các đạo sĩ đã nhầm lẫn và đồng nhất Đông Phương Sóc với Đông Quách tiên sinh, một phương sĩ tự tiến thân với tướng quân Vệ Thanh. Vị phương sĩ này nhờ bày mưu giúp Vệ Thanh đã được Vệ Thanh tiến cử làm quan. “Hoạt kê truyện” cho biết Đông Phương Sóc bị bệnh mất sớm, có để lại lời trăn trối về trị quốc cho Hán Vũ Đế, nhưng không thấy ghi chép về cái chết của Đông Quách tiên sinh. Trong khi ấy, tiên đạo luôn cho rằng Đông Phương Sóc sống lâu hơn trăm tuổi nên mới đồng nhất với Thọ tinh. (9)

Dựa trên các mô tả về phương thuật, ta có thể thấy rằng Thái Bình đạo và Ngũ đấu mễ đạo, những tổ chức tiền thân của Đạo giáo đều tiếp thu phương thuật trong cách thức tu luyện của mình. Vào thời Đường và thời Tống, Đạo giáo ngày càng phát triển hơn và có những phân nhánh phức tạp. Tôi sẽ viết về những phân nhánh này ở các bài sau.

Vu thuật hay Vu giáo là tín ngưỡng cổ xưa của người Trung Hoa. Vu thuật thường được mô tả là người đàn bà thực hiện các nghi lễ nhảy múa để cầu các đấng linh thiêng hiển linh thông qua bản thân. Vu thuật còn đảm nhiệm các nhiệm vụ chiêm bốc, bói toán, cầu đảo quỷ thần để cầu phúc… Tín ngưỡng từ thời Thương – Ân đã cực thịnh, đến đầu thời Hán vẫn được ưa chuộng, nhưng từ thời Hán Vũ Đế thì Vu thuật bị mất vị thế chính trị(10). Ngoài các nữ Vu sư đảm nhiệm nghi lễ, rất nhiều các Vu y hành nghề y thuật trên giang hồ và được dân gian tôn sùng. (11) Vu Cát và Trương Giác đều có cách thức hoạt động giống với các Vu y, cho thấy mối quan hệ mật thiết giữa Thái Bình đạo và Vu thuật. Xét về hình thức hoạt động, Vu thuật hay Vu giáo khá tương đồng với Đạo Mẫu ở nước ta.

Các truyền thuyết và thần thoại dân gian là lớp văn hóa tạo nên sự phong phú cho các tích truyện Đạo giáo. Đây là những câu chuyện được kể từ thời thượng cổ với các vị thần như Hiên Viên Hoàng Đế, Phục Hy, Nữ Oa, Thần Nông, Chuyên Húc, Thiếu Hạo… hay các vị tiên xuất hiện sau thời Hán như Đông Du Bát Tiên, hoặc các danh tướng và danh thần được nhân dân yêu mến. Những câu chuyện về các vị thần được ghi chép lại qua hai tư liệu quan trọng thời Tiên Tần là “Sơn hải kinh” và “Thượng Thư”. Còn các sự tích về các vị tiên thì được truyền miệng hoặc qua rất nhiều cuốn sách của các chi phái Đạo giáo.

“Sơn Hải Kinh” tương truyền được viết ra từ thời Hạ Vũ bao gồm văn bản và các đồ hình. Thời Hán, sách đã được đưa vào chương trình học, như một loại sách giáo khoa sử địa ngày nay. Vào thời Tam Quốc,  “Sơn Hải Kinh” không hiểu vì lý do gì đã hoàn toàn thất lạc. Rất nhiều năm sau, thời Tống, Minh, Thanh, Trung Hoa Dân Quốc, nhiều người đã sưu tầm, lưu giữ, chắp nối từng phần nhỏ cuốn “Sơn Hải Kinh” để nghiên cứu và cho ra đời nhiều bản chú giải khác nhau. Những văn bản này không những thiếu thốn, ít tính chính xác mà còn không lưu giữ được các đồ hình gốc và toàn do người đời sau vẽ lại. “Sơn Hải Kinh” ghi chép về các vùng đất kỳ lạ, các câu chuyện yêu ma kỳ dị, các dân tộc, các vật quý… Những sự tích như “Khoa Phụ đuổi mặt trời”, “Tinh Vệ lấp biển”, Cộng Công và Chúc Dung… đều được ghi chép tại đây. Văn bản sớm nhất được biết đến nay là “Sơn Hải Kinh chú” được viết đời Tấn. (12)

“Thượng Thư” có nguồn gốc rõ ràng hơn “Sơn Hải Kinh”. “Thượng Thư” chính là Kinh Thư do Khổng Tử chỉnh lý. “Thượng Thư” là cuốn sách rất quan trọng bởi nó ghi chép lại các cuộc đối thoại, các quyết định của những vị thủ lĩnh thời kỳ đầu văn minh Hoa Hạ là Hạ, Thương, Chu. Những tích “Đại Vũ trị thủy”, Nghiêu – Thuấn, Hạ Khải đặt nhạc, Khương Tử Nha phò Chu diệt Trụ…v…v… đều được ghi chép trong sách này. Tương truyền, sách đã bị mất tích trong thời Tần Thủy Hoàng nhưng lại được một người tên là Phục Thắng học thuộc mà chép lại. Sau đó, một văn bản khác được viết bằng Triện thư được phát hiện dưới thời Hán Vũ Đế từ trong vách nhà cũ của Khổng Tử. Cả hai bản này đến thời Tây Tấn đều mất sau biến loạn Tam Quốc. Đến thời Đông Tấn, một văn bản khác của Thượng Thư lại được dâng lên bởi hậu duệ xa của Khổng Tử nhưng đều bị các học giả đời sau đánh giá là “ngụy Khổng bản” (bản giả của Khổng Tử). (13)

Mặc dù gặp rất nhiều nghi vấn về độ khả tín của hai văn bản này, nhưng những khái niệm, những sự tích, những địa danh… được lưu trong hai văn bản này đã trở thành chứng lý cho các thuyết của Đạo giáo, đặc biệt là tiên đạo.

Quan niệm siêu hình cổ đại cũng là một yếu tố dân gian quan trọng xuất hiện trong Đạo giáo. Có thể nói, những quan niệm siêu hình cổ đại này đã hình thành nên nhãn quan của các đạo sĩ, chi phối cách tư duy và hành xử của họ. Quan niệm siêu hình cổ đại của người Trung Quốc bao gồm các khái niệm về âm dương, về ngũ hành, về quy luật chi phối vạn vật (đạo), về thời gian (thiên văn) và không gian (phong thủy), về số mệnh con người (Chu dịch, chiêm bốc, thiên can địa chi…). Những khái niệm này đều xuất hiện từ thời Tiên Tần, và có thể xa xưa hơn – thời thượng cổ. Các phương sĩ và sau này là các đạo sĩ đều sử dụng các khái niệm ấy làm nền tảng lý luận cho giáo lý và phương pháp thực tập của mình.

Quan niệm cổ xưa nhất có thể kể đến là phong thủy. Phong thủy có từ bao giờ thì không ai dám chắc, nhưng cho đến nay phong thủy vẫn chiếm vị trí quan trọng trong tư duy quy hoạch đô thị, xây nhà, xây mộ của người Trung Hoa. Những dấu vết của phong thủy sơ khai được tìm thấy trong một mộ táng tại Tây Thủy Pha, huyện Bộc Dương, tỉnh Hà Nam, thuộc di chỉ văn hóa Ngưỡng Thiều cách đây 6500 năm. Trong mộ táng có một người đàn ông được chôn đầu ở hướng Nam, chân ở hướng Bắc, hai bên phải trái là hình rồng và hình hổ được xếp tỉ mỉ bằng vỏ sò theo thế “Đông Thanh Long, Tây Bạch Hổ” (14). Mộ táng là minh chứng cho sự lâu đời của quan niệm phong thủy.

Các đạo sĩ đều có lối suy nghĩ dưa trên dịch số với các quan niệm về Thái Cực, Âm Dương, Tứ Tượng, Bát Quái. “Kinh Dịch” có nền tảng từ Hà Đồ và Lạc Thư. Hà Đồ và Lạc Thư là cách bố trí các quẻ. Hà Đồ có từ thời Phục Hy, Lạc Thư xuất hiện ở thời Hạ Vũ. Từ hai đồ hình này bắt đầu xuất hiện cách quy ước vạch liền là Dương, vạch đứt là Âm trong Dịch. Dịch thể hiện cho các sự biến chuyển của dòng thời gian, dòng sự kiện. Sau này, vào cuối đời Ân, Cơ Xương (Chu Văn Vương) đã sáng tạo ra Hậu thiên bát quái. Đến thời Khổng Tử, Dịch được chú giải trong “Kinh Dịch”. Như vậy, Kinh Dịch là một tổ hợp sáng tạo của dân gian, được chỉnh lý và bổ sung bởi các học giả. Biểu tượng thường thấy của Đạo giáo là Thái cực đồ (vòng Âm dương) ở bên trong của vòng Bát quái xuất phát chính từ “Kinh Dịch”, một trước tác của Nho học. “Ngũ hành tương sinh tương khắc” lại là một hệ thống khái niệm có trước âm dương. “Sử ký”, quyển “Ngũ Đế bản kỷ” viết rằng “Hoàng Đế bèn nghiên cứu khảo sát xác định các ngôi sao, kiến lập Ngũ hành”. Tuy nhiên, giống như nhiều ghi chép về thời thượng cổ, nhận định này của “Sử ký” không có đủ cơ sở chứng lý.

Tương tự như vậy, các quan niệm về bầu trời sao, dòng thời gian (thiên can địa chi)… của người Trung Hoa cũng được nhắc rất nhiều trong Đạo giáo. Từ đời Tử Giáp Vi, ông tổ thứ 7 của người sáng lập nhà Thương (Thành Thang) đã đặt ra lệ sử dụng Thiên can để đặt thụy hiệu cho các thủ lĩnh tộc này. Điều đó cho thấy quan niệm Thiên Can đã xuất hiện từ cổ xưa(15). Các thuật tính Thiên Can, Địa Chi giúp đạo sĩ tính toán giờ tốt xấu trong quá trình hành nghề và tu đạo; cũng là căn cứ cho các hình thức chiêm tinh Trung Hoa như Tử Vi và Tử Bình.

Tín ngưỡng thờ tổ tiên và tục sùng bái thần linh cho thấy cái nhìn về linh hồn của người dân Trung Quốc đồng nhất với toàn bộ các nền văn hóa trên thế giới. Người Trung Quốc cũng cho rằng có đời sống linh hồn sau khi chết và có nhiều linh hồn sẽ đóng vai trò là thần, tiên. Nếu Vu thuật sử dụng niềm tin này để cầu gọi, để xin chỉ dẫn thì các đạo sĩ chỉ dừng ở việc nhận thức. Thỉnh thoảng các vị thần tiên sẽ xuất hiện để hướng dẫn tu học đạo như trường hợp Thái thượng lão quân hướng dẫn Trương Lăng học phép rồi lập ra Ngũ đấu mễ đạo, nhưng gần như rất ít can dự vào đời sống chính trị, xã hội của nhân gian. Các vị thần tiên này bao gồm các vị thần thời thượng cổ được kể lại trong truyền thuyết, các nhân vật đắc đạo, các danh tướng và danh sĩ…v…v… và cũng có thể là các ác linh. Đối với các ác linh hay oan hồn, các đạo sĩ thường làm luôn nhiệm vụ tổ chức lễ tế để trừ giải (16). Trước đây, nhiệm vụ này vốn là của vu sư nhưng khi vu thuật bị cấm, các đạo sĩ đảm nhiệm luôn công việc giao tiếp với thế giới linh hồn và giải trừ các ác linh.

Đạo dẫn khí và thuật nội đan không rõ có từ bao giờ nhưng đã được các phương sĩ và sau này là các đạo sĩ sử dụng. Thuật nội đan là cách hành khí mô phỏng luyện đan. Trước đó có thuật ngoại đan từ thời Chiến quốc hoặc xa hơn (17). Thuật nội đan được cho là do Thanh Hà tử Tô Huyền Lãng đời Tùy đề ra, nhưng từ thời Đông Hán, các ghi chép như “Lão Tử minh”, “Tiên nhân Vương tử Kiều bi”, “Bão Phác tử” đã nhắc tới khái niệm “đan điền” (Từ “đan” trong “nội đan”, “ngoại đan”. Thuật nội đan coi trời đất như lò luyện đan lớn còn bản thân là một lò luyện đan nhỏ, trong đó việc luyện khí hóa thần như luyện đan) (18). Tuy nhiên, các phương pháp tu luyện dẫn khí đã có từ trước.

Khí là một khái niệm rất mơ hồ, rất khó định nghĩa. Khí trong Đạo giáo không hẳn là không khí mà chúng ta hít thở nhưng phương pháp thực tập lại liên quan đến hít thở. Phương pháp dẫn khí này về nguyên lý khá giống với Yoga Ấn Độ, nhưng sẽ khác nhau về cách dẫn và tư thế. Nhiều người sùng tín Ấn Độ thường cho rằng chỉ từ khi Bồ Đề Đạt Ma vào Trung Quốc, người Trung Quốc mới biết dẫn khí. Đây là quan niệm sai lầm. Bồ Đề Đạt Ma sinh sống trong khoảng thế kỷ thứ 4 và thế kỷ thứ 5, trong khi Thái Bình kinh của Vu Cát từ thế kỷ thứ 2 đã viết “Người muốn sống lâu cần phải thụ nhận khí, tôn thờ thần, coi trọng tinh” (19). Xa xưa hơn, phép hành khí được nhắc đến trong các triết gia Tiên Tần. Liệt tử trong “Xung hư chân kinh” viết: “Trời chỉ chứa cái khí, không chỗ nào không có khí, anh hô hấp co duỗi, suốt đời vận động trong cái khí của trời đất đó” (20). Trang Tử trong “Nam Hoa Kinh” thì mô tả về Liệt Tử như sau: “Đến như thuận theo cái chính của Trời Đất, nương theo cái biến của lục khí mà rong chơi trong cõi vô cùng: thì đó đâu còn phải chờ đợi cái gì nữa” (21). Các văn bản này cho thấy “khí” là khái niệm đã có từ lâu đời tại Trung Hoa chứ không phải chỉ xuất hiện sau sự du nhập của Phật giáo. Sách viết kỹ lưỡng về nguyên lý của khí dựa trên âm dương có “Hoàng Đế nội kinh tố vấn”, một trước tác căn bản của y thuật và tu luyện Á Đông.

Bao trùm tất cả là khái niệm Đạo của học phái Đạo gia. Khái niệm “Đạo” mà chúng ta quen thuộc xuất phát từ “Đạo Đức kinh” của Lão Tử. Lão Tử cho rằng Đạo bao trùm vạn vật và đề xướng lối sống thuận theo Đạo. Nhưng Lão tử là ai, có xuất xứ như thế nào thì cho đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi. Thậm chí, coi Lão Tử như người khởi đầu của quan niệm về Đạo cũng còn nhiều điều bất hợp lý. Trang Tử, vị triết gia vẫn được gán với Lão Tử lại không hề nhắc đến Lão Tử trong trước tác Nam Hoa Kinh của mình mà chỉ nhắc đến Liệt Tử “cưỡi trên lục khí để ngao du thiên hạ”. Liệt Tử cũng nhắc đến Đạo: “Có một vật sinh ra các vật khác mà không được vật nào sinh ra cả, biến hóa các vật khác mà tự nó không biến hóa. Vậy cái được sinh ra có thể sinh (làm chủ tể) các vật được sinh ra, cái không biến hóa có thể biến hóa (làm chủ tể) cái biến hóa. Mà cái được sinh ra không thể không sinh ra cái khác, cái được biến hóa không thể không biến hóa, do đó mà sinh sinh hóa hóa hoài, không thời nào không sinh, không thời nào không hóa. Do đó có âm dương, bốn mùa. Cái không được sinh ra có thể là duy nhất, vô thủy vô chung; cái không biến hóa thì qua lại không cùng; cái đạo của cái duy nhất không thể dò được” (22). Niên đại của Liệt Tử không rõ ràng, nhưng qua ghi chép của Trang Tử và sự việc Trang Tử không nhắc đến Lão Tử thì có khả năng rằng “Đạo” là một quan niệm phổ quát ở thời Chiến Quốc. Với ý nghĩa bao trùm này, Đạo là điểm quy tụ của tất cả các tín ngưỡng khác của người Trung Hoa để hình thành nên Đạo giáo.


CHÚ THÍCH 1:

(1) Bách khoa thư văn hóa cổ điển Trung Hoa, Nguyễn Tôn Nhan (tr 390)
(2) Bách khoa thư văn hóa cổ điển Trung Hoa, Nguyễn Tôn Nhan (tr 393)
(3) Hậu Hán thư, phần Hoàng Phủ tung truyện chép: “Giác tự xưng là Đại Hiền lương sư, thờ đạo Hoàng Lão, nuôi dưỡng đệ tử, dạy phép quỳ bái, lấy phù chú nước thải trị liệu bệnh tật, người bệnh cũng có khi hơi khỏi, nhân dân tin tưởng theo. Thờ phụng cả Thái bình thanh lĩnh thư, tức Thái Bình kinh. Để thi hành ý Thái Bình nên gọi tên đạo là Thái Bình đạo”. (Dịch: Nguyễn Tôn Nhan)
(4) Bách khoa thư văn hóa cổ điển Trung Hoa, Nguyễn Tôn Nhan (tr 395)
(5) Quyển “Tôn phá Lỗ thảo nghịch truyện”, trích trong phần “Ngô thư”, sách “Tam Quốc chí” của Trần Thọ (Biên dịch Bùi Thông)
(6) Phần “Phong thiện thư” của sách Sử ký viết: “Từ đời Uy vương, Tuyên vương nước Tề… bọn Tống Vô Kỵ, Chính Bá Kiều, Sung Thượng, Tiểu Môn Cao cuối cùng đều là người nước Yên, theo Phương Tiên đạo, thu thuật hình giải tiêu hóa, dựa vào thờ quỷ thần” (Dịch: Nguyễn Tôn Nhan)
(7) Trang Tử viết trong “Thiên hạ thiên”: “Người theo phương thuật trong thiên hạ nhiều lắm vậy” (Dịch: Nguyễn Tôn Nhan)
(8) Đọc thêm về Hoài Nam Tử và sách Hoài Nam Hồng Liệt: https://nghiencuulichsu.com/2016/11/04/sach-hoai-nam-tu-va-cai-chet-cua-luu-an/ 
(9) Tư Mã Thiên (145-86 TCN) là quan Thái sử dưới thời Hán Vũ Đế (156 – 87 TCN), tức là người cùng thời với Đông Phương Sóc, cho nên ghi chép của ông có độ khả tín cao hơn so với các thuyết truyền miệng của Đạo giáo.
(10) Đọc thêm về Vu thuật:  https://nghiencuulichsu.com/2017/01/03/ban-ve-vu-va-vu-thuat-trong-dan-gian-thoi-luong-han/ 
(11) Sách “Mạnh Tử” do Triệu Kỳ chú giải viết: “Vu Sư cầu xin cho người, có lợi cho cuộc sống người ta”. “Sơn hải kinh” cũng kể về các thần y cổ đại là các Vu y như Vu Bành, Vu Dương, Vu Lý… (Nguyễn Tôn Nhan dịch)
(12) Bách khoa thư văn hóa cổ điển Trung Hoa, Nguyễn Tôn Nhan (tr 264)
(13) Bách khoa thư văn hóa cổ điển Trung Hoa, Nguyễn Tôn Nhan (tr 278)
(14) Trích “Phong thủy cổ đại Trung Quốc, lý luận và thực tiễn”,Vu Hy Hiền & Vu Dũng (Phần 3, tr85)
(15) Chi tiết này được ghi lại trong “Trúc thư kỷ niên”, văn bản được ghi trên giáp cốt được chôn cùng Ngụy Tương Vương (chết năm 296 TCN), chôn ở huyện Cấp (Hà Nam). Văn bản được phát hiện vào năm 281 thời Tấn Vũ Đế.
(16) Kinh điển Đạo giáo “Văn kíp thất thiêm” có ghi chép về các phép thuật tế chay để giải trừ oan hồn biến thành ma ám. Đoạn ghi chép kể về đạo sĩ La Công Viễn giúp một người giàu tên là Lý Thừa Tự giải trừ oan hồn của người vợ và người con đã bị ông ta bỏ thuốc độc giết chết. La Công Viễn khuyên Lý Thừa Tự dựng đạo tràng Hoàng lục ba ngày ba đêm, nhờ thế mà oan hồn không về báo mộng nữa.
(17) Thuật ngoại đan là luyện các khoáng chất thành thuốc với niềm tin rằng thuốc này có thể giúp trường sinh bất tử hoặc trị các loại bệnh. Từ thuật ngoại đan chính là thuật giả kim của người Trung Hoa.
(18) Bách khoa thư văn hóa cổ điển Trung Hoa, Nguyễn Tôn Nhan (tr 632)
(19) Bách khoa thư văn hóa cổ điển Trung Hoa, Nguyễn Tôn Nhan (tr 442)
(20) Trích bản dịch “Xung hư chân kinh” trong phần 2 sách “Liệt tử – Dương tử” của Nguyễn Hiến Lê (tr 78)
(21) Trích từ chương “Tiêu dao du” trong Nam Hoa Kinh của Trang Tử, bản dịch Thu Giang Nguyễn Duy Cần: https://bookhunterclub.com/tieu-dao-du-trich-nam-hoa-kinh-trang-tu/ 
(22) Trích bản dịch “Xung hư chân kinh” trong phần 2 sách “Liệt tử – Dương tử” của Nguyễn Hiến Lê (tr 72)


II – CÁC PHÂN NHÁNH VÀ BIẾN THỂ Ở TRUNG HOA PHONG KIẾN

Ảnh hưởng của Thái Bình đạo

Thái Bình Đạo với cái chết của Vu Cát và sự kiện loạn giặc Khăn Vàng bị triệt hạ thì đã dần bị yếu thế. Tuy nhiên, các tín đồ của Thái Bình Đạo vẫn tiếp tục có ảnh hưởng. Ở phần trước, tôi đã nhắc đến các đạo sĩ hiện nay vẫn mặc y phục vàng cùng với gậy chín khúc như ở thời Thái Bình Đạo. Nhiều giáo phái đời sau có liên quan đến các cuộc nổi loạn chính trị như Minh giáo và Bạch Liên giáo đều chịu ảnh hưởng của Thái Bình đạo.

Minh giáo có xuất xứ từ Mani giáo ở Trung Đông. Mani giáo cho rằng những lời giảng của Zarathustra, Jesus và Đức Phật là khiếm khuyết, chỉ lời của đức giáo chủ Mani của họ là đúng đắn. Theo truyền thuyết của Mani giáo, Mani đã nhận được sự khải thị lần đầu vào năm 12 tuổi và một lần nữa vào năm 24 tuổi. Do đó, Mani cho rằng con người sẽ được giải thoát khi khai mở nguồn ánh sáng vốn đã bị che lấp và các giáo đồ phải phục dịch những vị đã được khải thị. Bên cạnh đó, Mani giáo còn có màu sắc mạt thế luận do ảnh hưởng của sách Khải Huyền mà sau này khi du nhập vào Trung Quốc lại tiếp thu thêm hình tượng Phật Di Lặc của Phật giáo có vai trò cứu rỗi trong ngày tận thế. Mani giáo được truyền vào Trung Quốc từ thời Đường cuối thế kỷ thứ 7 cùng với cuốn Nhị Tông Kinh của tôn giáo này. Các học giả Việt Nam, trong đó có Nguyễn Duy Chính đều cho rằng Mani giáo có ảnh hưởng đến Thái Bình đạo và các chi phí Đạo giáo từ trước thời Đường, nhưng chưa chỉ ra được cơ sở chắc chắn cho nhận định ấy. Chỉ biết rằng, khi Mani giáo xuất hiện ở Trường An thì Đạo giáo đã rất phát triển. Vào thế kỷ thứ 8, một trung tâm của Mani giáo đã được xây dựng ở Trường An có tên gọi Hán tự là Đại Vân Quang Minh, cùng với rất nhiều cơ sở khác tại Lạc Dương, Thái Nguyên, Thiệu Hưng, Nam Dương. Đến thế kỷ thứ 9, Mani giáo bị tiêu diệt ở Trung Quốc, 17 nữ tu bị giết ở Trường An, do đó họ bắt đầu cải biến và hoạt động ngoài vòng pháp luật. Mani giáo đổi tên thành Minh giáo và tôn Trương Giác, thủ lĩnh giặc Khăn Vàng của Thái Bình Đạo làm giáo chủ đầu tiên và cúng bái thần Quang Minh hay còn gọi là Quang Minh Phật. Từ đó, Minh giáo bắt đầu kết hợp giữa tín ngưỡng Mani giáo với các tàn dư của Thái Bình Đạo trong Đạo giáo. (1) Nghi vấn lịch sử lớn nhất đến Minh giáo là vấn đề liên quan đến vị vua đứng đầu triều Minh. Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương có khả năng là tín đồ của Minh giáo. Những người từng đọc “Ỷ thiên đồ long ký” của Kim Dung hẳn đều đã quen thuộc với nghi vấn lịch sử về chữ “Minh”. Không giống với các triều đại khác như Hán, Đường, Tống… đều đặt tên triều đại theo vùng đất khởi nghĩa, Chu Nguyên Chương đặt tên triều đại của mình là Minh, tương ứng với Minh giáo. Khi mới khởi nghĩa, Chu Nguyên Chương đã tham gia cuộc khởi nghĩa Hồng Cân. Cuộc khởi nghĩa mở đầu bằng lời kêu gọi “Di Lặc giáng sinh, Minh vương xuất thế”, nhưng chính Chu Nguyên Chương đã công khai phản bội nghĩa quân và chửi rủa quân Hồng Cân là “yêu khấu”, sai người ám sát các thủ lĩnh khác của cuộc khởi nghĩa (2). Bạch Liên giáo ở thời Thanh sau này cũng bắt chước các tuyên truyền về mạt thế của Minh giáo trong phong trào “Phản Thanh phục Minh”.

Không chỉ dung hợp với Mani giáo để tạo ảnh hưởng về chính trị mà các thuật trị bệnh bằng bùa chú được sử dụng từ thời Phương Tiên giáo cho đến Thái Bình Đạo vẫn rất phổ biến trong dân gian. Bùa do Thái Bình Đạo dùng để trị bệnh là loại bùa nước, từ đó mới phát sinh khái niệm “phù thủy” để gọi các đạo sĩ ở Việt Nam. Các Đạo giáo ảnh hưởng Thái Bình Đạo thường được gọi là Đạo giáo phù thủy, có thiên hướng làm bùa, tổ chức các nghi lễ cầu đảo quỷ thần.

Ảnh hưởng của Ngũ đấu mễ đạo

Ngũ đấu mễ đạo được thành lập bởi Trương Lăng có xu hướng gần với Lão tử và các thuật trường sinh hơn so với Thái Bình đạo. Khi Trương Lăng qua đời, con trai là Trương Lỗ tiếp tục lãnh đạo Ngũ đấu mễ đạo, thành lập 24 giáo khu được gọi là “trị”, lãnh đạo giáo dân trừ bỏ các đền thờ dâm thần, coi trọng thuật dưỡng sinh. Giáo dân quy thuận Trương Lỗ rất đông và chiếm đóng ở Hán Trung 30 năm. Khi Tào Tháo đánh chiếm Hán Trung thì không giết Trương Lỗ mà lại kết thành liên minh, chỉ di dời giáo dân khỏi Hán Trung. (3)

Trương Thịnh, con trai Trương Lỗ, từ chối nhận chức quan của nhà Ngụy do Tào Phi, con trai Tào Thái kiến lập, mà quy ẩn ở Long Hổ Sơn, Giang Tây. Từ đó, Long Hổ Sơn trở thành thánh địa của Đạo giáo. Đây vốn là nơi Trương Lăng khi còn sống đã lập hai đạo quán, đến nay vẫn còn lưu giữ. Do địa vị gắn liền với Đạo giáo của Trương gia, Long Hổ Sơn trở thành một trong bốn ngọn núi thiêng của Trung Quốc. Long Hổ Sơn thuộc khu vực của Đông Ngô trong thời Hán, do đó có khả năng rằng Vu Cát, người sáng lập Thái Bình đạo cũng từng là đệ tử của Ngũ đấu mễ đạo. Ngoài ra, một trong các cuốn kinh điển của Ngũ đấu mễ đạo có tên là  “Thái bình động cực chi kinh”, có thể chính là gốc tính của cái tên “Thái Bình” trong Thái Bình đạo. (3)

Ngũ đấu mễ đạo có địa vị tối quan trọng trong Đạo giáo, có thể coi là nguyên mẫu. Lưu Hiệp trong “Văn tâm điêu long”, trước tác kinh điển về lý luận văn học Trung Quốc viết: “Trên thì lấy tiêu chuẩn là Lão Tử, dưới nữa là thuật đạo thần tiên, thấp nữa tập theo Trương Lăng” (4) . Khi Ngũ Đấu mễ đạo chuyển về Long Hổ Sơn đã đổi tên là Chính Nhất đạo. Đến đời Nguyên, Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt đã cho phép Thiên sư đời 36 của phái này là Trương Tông Diễn quản lý toàn bộ Đạo giáo ở Giang Nam. Đến đời Thiên sư thứ 38 thì toàn bộ các tông phái Đạo giáo ở Giang Nam đã trở thành một phần của Chính Nhất Đạo. Nhà Minh lật đổ nhà Nguyên, Chính Nhất Đạo còn được đề cao hơn, được quyền thống lĩnh toàn bộ Đạo giáo của Trung Hoa. Chỉ đến thời Thanh, Chính Nhất đạo mới mất đi vị thế và suy yếu dần do không có được sự bảo trợ từ triều đình (5).

Ngũ Đấu mễ đạo đã trải qua hai lần cải cách ở thời Nam Bắc triều (420 – 589) do đạo sĩ Lục Tu Tĩnh và Khấu Khiêm Chi đề xướng trong thế kỷ thứ 5. Khấu Khiêm Chi tu theo tiên đạo, luyện thuật tịch cốc (thuật tu không sử dụng tinh bột) ở núi Hóa Sơn (chúng ta vẫn quen gọi là Hoa Sơn, một trong 5 ngọn của Ngũ Nhạc). Khấu Khiêm Chi tuyên truyền rằng mình được Thái Thượng Lão quân ban cho sách, lại nương vào triều đình Bắc Ngụy của họ Thác Bạt để kêu gọi cải cách Ngũ đấu mễ đạo, từ đó chia ra Nam – Bắc phái, mà đại diện của miền Bắc là Khấu Khiêm Chi (6). Nam phái được cải cách bởi Lục Tư Tĩnh, vốn là một nho sĩ yêu thích tu đạo, là tổ sư đời thứ 7 của Thượng Thanh phái. Lục Tu Tĩnh rất được triều đình nhà Tống ngưỡng vọng cho thấy Thượng Thanh phái có địa vị cao vào thời Tống. Không giống như Khấu Khiêm Chi đặt ra các vấn đề về nghi lễ, Lục Tu Tĩnh đề cao việc trai giới và cho chỉnh đốn kinh điển. (7)

Ở thời Tống, các vua đều sùng tín Đạo giáo. Tống Sử ghi chép nhiều câu chuyện liên quan đến sự ra đời của Tống Chân Tông (968 – 1022) có nhiều màu sắc thần tiên. Khi Tống Chân Tông ra đời, tương truyền ánh sáng đỏ tràn ngập khắp phòng, ở chân có chữ “Thiên”. Trước đó, mẹ ông nằm mơ thấy mặt trời rồi mang thai (8). Dưới thời Tống Chân Tông, các quan vốn được tuyển qua hệ thống Nho học cũng có lối hành xử rất… “mê tín”. Các quan tìm được Thiên Thư (sách trời, Tống Chân Tông đã từng nằm mơ thấy cuốn sách kỳ ảo này) đều được Tống Chân Tông trọng dụng. Ông thường xuyên tổ chức các lễ tế lớn, tự ảo tưởng đang sống trong cảnh thái bình, còn cho xây cung Chiêu Ứng rất hoành tráng để thờ cúng Thiên Thư, dù lúc bấy giờ ở nước Tống thiên tai triền miên khiến người dân rất đói khổ. Cũng bắt đầu thời Tống Chân Tông, địa vị Ngọc Hoàng được đề cao và tôn xưng là chúa tể của Thiên đình (9). Những sự kiện dưới thời Tống Chân Tông cho thấy ảnh hưởng của Đạo giáo rất sâu đậm, kết hợp với quan niệm cổ xưa về thiên mệnh được Nho giáo lưu giữ, đã tạo nên một không khí hoang đường bao trùm triều đại này.

Toàn Chân Đạo, hướng tới tu đạo chân chính

Toàn Chân giáo do Vương Trùng Dương lập vào đầu đời Kim (thế kỷ 12). Toàn Chân giáo khó có thể nói là thừa hưởng giáo lý và cách thức của Ngũ Đấu Mễ Đạo hay Thái Bình Đạo. Vương Trùng Dương khi lập phái không có xu hướng mở rộng giáo phái của mình mà chủ yếu muốn tuyển chọn những người có căn cơ. Ông quản lý giáo phái rất nghiêm, chỉ giữ lại bảy đệ tử xuất sắc nhất, tạo thành Toàn Chân Thất Tử. (10) Vương Trùng Dương và Toàn Chân Thất Tử đều được nhắc đến trong các tác phẩm “Võ Lâm ngũ bá”, “Anh hùng xạ điêu”, Thần điêu hiệp lữ” của Kim Dung.

Vương Trùng Dương dựng Toàn Chân Am ở trong nhà của đại đệ tử Mã Ngọc, đó chính là khởi đầu của tên gọi Toàn Chân Đạo. Vương Trùng Dương dạy tín đồ học theo “Đạo Đức Kinh”, “Hiếu Kinh”, “Bát Nhã tâm kinh”, cho thấy sự dung hợp giữa Nho – Phật – Lão trong Toàn Chân Đạo. Chủ trương tu hành của Toàn Chân Đạo đó là hướng tới thoát ly khỏi vòng sinh tử, khá tương đồng với Phật giáo. Năm 1169, Vương Trùng Dương “thành tiên” (không rõ là có chết hay không), giao lại giáo phái cho Mã Ngọc thừa kế truyền đạo. Khi Mã Ngọc tổ chức truyền đạo ở Quan Trung thì xảy ra mâu thuẫn với quan lại vùng này, nên ông giao lại nhiệm vụ cho Khâu Xứ Cơ rồi quy ẩn(10). Mã Ngọc cũng để lại nhiều trước tác quan trọng cho Toàn Chân đạo. Khâu Xứ Cơ trên thực tế không giống với nhân vật nóng nảy trong tiểu thuyết Kim Dung. Khâu Xứ Cơ rất được nhà Kim coi trọng, sau đó ông còn nhận lời mời của Thành Cát Tư Hãn đến tận Tuyết Sơn ở Tây Vực để gặp mặt và được tiếp đón long trọng. Toàn Chân Đạo từ đó bước vào giai đoạn hưng thịnh nhưng cũng từ đó chia nhỏ thành nhiều phái khác nhau.

Qua đạo truyền của Khâu Xứ Cơ, ta càng khẳng định rằng Toàn Chân Đạo là một sự ly khai khỏi xu hướng Đạo giáo theo mô hình của Ngũ đấu mễ đạo và Thái Bình đạo. Cũng giống như Vương Trùng Dương, Khâu Xứ Cơ có tư tưởng xuất thế thoát tục: “Người ta ở đời suốt ngày tranh danh đoạt lợi, tham vợ yêu con, vạn nhất sự Vô thường đến, muôn việc thành không. Người cho rằng việc đời đều là thật, còn ta coi nó như sương sớm mây nổi”. Khâu Xứ Cơ khi truyền đạo, đề xướng tam giáo hợp nhất, bỏ thuật luyện ngoại đan và phù thủy cũ, thực hành “tính mệnh song tu”, tức là trước thì luyện Tính, sau tu luyện Mệnh (luyện nội đan Tinh – Khí – Thần). Dưới thời Khâu Xứ Cơ, Toàn Chân Đạo đạt địa vị ngang ngửa với Chính Nhất đạo. (11)

Tương truyền, Vương Trùng Dương thời đang tu luyện đã có cơ duyên gặp hóa thân của Lã Động Tân và Chung Ly Quyền  và được truyền đạo. Sự xuất hiện của Lã Động Tân và Chung Ly Quyền trong truyền thuyết của Toàn Chân Đạo rất khác so với việc gặp Thái Thượng Lão Quân của Trương Lăng. Hai vị tiên này đều là những người đi ra từ cõi tục, hướng tới giải thoát, nên có thân phận tương đồng với Vương Trùng Dương. Sau đó, ông tới núi Chung Nam ở Thiểm Tây, dựng một thảo am, đào mộ huyệt, tự gọi nơi ấy là Hoạt tử nhân mộ, nghĩa là mộ của người chết còn sống. Trước mộ còn ghi “Vương hại phong linh vị” ý muốn nói đây là mộ của mình. Xây dựng mộ huyệt cho mình khi còn sống là một thái độ gần với Phật giáo, thể hiện ý nguyện đoạn tuyệt với thế tục. Hiện nay, tổ đình của phái Toàn Chân ở núi Chung Nam rất bề thế và được gọi là Toàn Chân Cung. (12)

Phái Toàn Chân duy trì thế đối trọng với Chính Nhất Đạo tức Ngũ đấu mễ đạo cho tới khi Trương Tam Phong chủ trương dung hợp hai Đạo phái này. Chính bởi sự dung hợp ấy mà sự khác biệt giữa Toàn Chân Đạo và Chính Nhất Đạo không còn nữa. Năm sinh và năm mất của Trương Tam Phong không rõ, chỉ biết rằng các vua đầu nhà Minh rất trọng vọng ông và tìm cách gặp ông mà không thành. Minh Thế Tổ Chu Nguyên Chương nhiều lần cho người đi tìm ông, Minh Thành Tổng tuy chưa gặp nhưng trong chiếu chỉ vẫn gọi ông là “lão sư”. Trương Tam Phong càng thể hiện ý nguyện sống cuộc đời tiêu diêu tự tại, còn thoát khỏi sự ràng buộc của giới luật. Tinh thần này phản ánh trong bài thơ của ông:

“Khoái khoái khoái, hồng trần ngoại

Nhàn nhàn nhàn, bạch vân gian

Diệu diệu diệu, tùng nhai nhất thanh khiếu

Lai lai lai, bồng lai đảo hoa khai”

Nghĩa là:

“Mau mau mau, ra ngoài bụi trần

Nhàn nhàn nhàn, giữa vùng trắng mây

Diệu diệu diệu, hú một tiếng ven bờ ùng

Đến đến đến, đảo Bồng Lai hoa nở rộ” (13)

Trương Tam Phong là người sáng lập ra Nội gia quyền, rất có ảnh hưởng với Võ học Trung Quốc,  vậy nên Võ Đang (nơi ông tu luyện) trở thành thánh địa của người luyện võ và tu đạo. Trương Tam Phong cũng là đại diện tiêu biểu nhất của ảnh hưởng Đạo giáo trong võ học. Truyền thống này có thể có từ Vương Trùng Dương và Toàn Chân Thất Tử vì Vương Trùng Dương được mô tả là người văn võ toàn tài từ thời ông chưa học đạo. Tuy nhiên, do không có tư liệu nào ghi chép mối liên hệ trực tiếp của Vương Trùng Dương với võ học cũng như không có sự tích nào kể về khả năng võ thuật của ông nên chúng ta có thể tạm coi Trương Tam Phong là người mở đầu cho xu hướng đưa Đạo giáo vào võ học.

Từ Vương Trùng Dương đến Trương Tam Phong, Đạo giáo bắt đầu có xu hướng quay trở về với Đạo gia. Trong giai đoạn này, những Đạo sĩ độc lập hướng tới tu luyện chân chính, không thờ quỷ thần, tri thức uyên bác có địa vị trong xã hội hơn hẳn so với các phái Đạo giáo phù thủy. Tuy nhiên, chẳng bao lâu, xu hướng thờ quỷ thần lại dần dần chiếm ưu thế tại Trung Quốc. Tính đến nay, Đạo giáo chính thức đã được chia thành 14 đạo, 16 phái, 7 tông, 1 giáo (Huyền giáo). Khi vào Việt Nam, Đạo giáo còn có nhiều biến thể khác, kết hợp với tín ngưỡng cổ bản địa.


CHÚ THÍCH 2:

(1) Thông tin về Minh giáo: https://kilopad.com/Tieu-su-Hoi-ky-c12/doc-sach-truc-tuyen-doc-kim-dung-tim-hieu-van-hoa-trung-quoc-b3557/chuong-6-minh-giao-ti6

(2) Bách khoa thư Văn hóa cổ điển Trung Quốc, Nguyễn Tôn Nhan (tr 60)

(3) Bách khoa thư Văn hóa cổ điển Trung Quốc, Nguyễn Tôn Nhan (tr 393)

(4) Nguyễn Tôn Nhan dịch

(5) Bách khoa thư Văn hóa cổ điển Trung Quốc, Nguyễn Tôn Nhan (tr 390)

(6) Bách khoa thư Văn hóa cổ điển Trung Quốc, Nguyễn Tôn Nhan (tr 395)

(7) https://religion.moi.gov.tw/Knowledge/Content?ci=2&cid=378

(8) Tống sử, quyển 6

(9) Jonathan D. Spence. God’s Chinese Son. New York, 1996 ( tr 42)

(10) Bách khoa thư Văn hóa cổ điển Trung Quốc, Nguyễn Tôn Nhan (tr 396)

(11) Bách khoa thư Văn hóa cổ điển Trung Quốc, Nguyễn Tôn Nhan (tr 414)

(12) Bách khoa thư Văn hóa cổ điển Trung Quốc, Nguyễn Tôn Nhan (tr 438)

(13) Bách khoa thư Văn hóa cổ điển Trung Quốc, Nguyễn Tôn Nhan (tr 434)


III – ĐẠO GIÁO Ở MIỀN BẮC VIỆT NAM VÀ SỰ BẢN ĐỊA HÓA

Đạo giáo đích xác du nhập vào miền Bắc Việt Nam từ bao giờ rất khó xác định, chỉ biết rằng có liên quan đến quá trình chính quyền phương Bắc thiết lập đô hộ phủ tại Việt Nam. Thậm chí Đạo giáo du nhập vào miền Bắc Việt Nam cũng không rõ rệt về trường phái mà dần có xu hướng địa phương hóa và sự phân nhánh cũng phụ thuộc vào địa phương du nhập.

Ảnh hưởng từ thời Bắc thuộc

Vị đô hộ sứ đầu tiên được ghi chép về việc đưa tri thức và văn hóa Trung Nguyên vào Giao Chỉ (miền Bắc Việt Nam) là Sĩ Nhiếp (137 – 226). Ông được các vị vua sau này của Đại Việt phong là Nam Giao học tổ. (1) Thuở còn sống, ông được nhà Hán phong là Long Độ đình hầu, đây có thể là gốc tích của tên “thần Long Đỗ”, vị thành hoàng kinh thành Thăng Long (Chữ “Độ” bị đọc chệch thành “Đỗ” do kị húy ). Khi Giao Chỉ nằm dưới quyền Đông Ngô, Tôn Quyền lại phong cho Sĩ Nhiếp là Long Biên hầu. Thời Sĩ Nhiếp cai trị Giao Châu, Trung Quốc đang trong cuộc biến loạn Tam Quốc, khoảng thời gian bùng phát của Thái Bình Đạo tức tiền thân của Đạo giáo. Sĩ Nhiếp là một danh sĩ Nho giáo chuyên về Xuân Thu Tả truyện, là người truyền bá Nho học vào Giao Chỉ, đóng đô ở Luy Lâu (Bắc Ninh) và cho phép các nhà sư Phật giáo truyền đạo (2) nhưng truyền thuyết về cái chết của ông lại liên quan đến Đạo giáo. Tương truyền rằng Sĩ Nhiếp ốm đã chêt đi 3 ngày thì được một đạo sĩ là Đổng Phụng cho viên thuốc hòa vào nước ngậm, nhờ thế mà hồi phục trở lại. Việc này được ghi trong Liệt Tiên truyện (3). Chi tiết này xét về mặt y học có thể xảy ra, còn có thực sự liên quan đến các phép thuật của Đạo giáo hay không thì không rõ, nhưng có khả năng Đạo giáo đã có mặt ở Việt Nam từ thời Sĩ Nhiếp.

Ở bài 1, tôi đã nhắc đến một chi tiết liên quan đến quan đô hộ ở Giao Châu thích chuyện bùa phép. Điều này được lưu lại do phát ngôn của Tôn Sách, tiên chủ của Đông Ngô: “Trước kia người quận Nam Dương là Trương Tân làm Thứ sử Giao Châu (tức miền Bắc Việt Nam hiện nay), vứt bỏ điển huấn của thánh hiền ngày trước, phế bỏ pháp luật của nhà Hán, thường buộc khăn đỏ che búi tóc, đánh trống gẩy đàn đốt nhang, đọc sách đạo tà tục, nói là để trợ giúp giáo hóa, rút cục bị người Di phương nam giết chết.” (4). Qua lời thuật lại của Tôn Sách thì Trương Tân hẳn phải làm Thứ sử Giao Châu trước Sĩ Nhiếp, cũng khó chắc chắn rằng Trương Tân là tín đồ của Thái Bình đạo, phương thuật hay vu thuật. Nhưng sách Đạo Tạng Kinh, sách kinh điển của Đạo giáo cho biết: “Sau khi vua Hán Linh Đế (168 – 189) băng hà, xã hội Trung Hoa rối loạn, chỉ có đất Giao Châu là tạm yên ổn. Người phương Bắc sang lánh nạn rất đông, phần nhiều là các đạo sỹ luyện phép trường sinh theo cách nhịn ăn”.

Dấu vết rõ nét đầu tiên của Đạo giáo ở Việt Nam là dưới thời Đường Minh Hoàng, khi Thứ sử Giao Châu có tên là Lưu Hướng cho xây đền Quán La ở động Già La (Tức khu vực Xuân La ngày nay). Đền Quán La vốn là đền thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, có tên thời bấy giờ là quán Khai Nguyên (5). Đến thời Trần Hiến Tông vẫn có đạo sĩ tu luyện tại đây. Chỉ đến thời Trần Dụ Tông mới có nhà sư trùng tu đạo quán thành chùa, lấy tên là An Dưỡng tự.  Câu chuyện liên quan đến đền và đình Quán La cũng rất ly kỳ bởi người ta tìm thấy một mộ táng thời Hán được xây dựng rất công phu, bao gồm cả phòng chứa đồ tùy táng và chứa quan quách, cùng một hệ thống đường hầm phức tạp. Hiện nay, quy mô thực sự của huyệt đạo vẫn chưa được xác định rõ ràng dù hầm mộ đã được khai quật từ sớm. Do thần phả của đình Quán La bị thất lạc nên không rõ chủ nhân của ngôi mộ là ai (6). Gò xây đền và đình Quán La được gọi là gò Thất Diệu, tức ám chỉ Thất tinh trong chòm sao Bắc Đẩu, các phong thủy gia thường dựa trên đó để xác định thế đất tốt. Như vậy, khu vực Quán La không chỉ lưu giữ các dấu vết của Đạo giáo mà có thể trước đó đã có dấu vết của tín ngưỡng phong thủy.

Cao Biền, viên quan cai trị nổi tiếng nhất ở Giao Châu được ghi nhận trong lịch sử và truyền thuyết gắn liền với các câu chuyện trấn yểm. Cao Biền đã dùng thủ thuật gì để trấn yểm hoặc cải tạo các vùng đất ở Giao Châu và Cửu Chân (Bắc bộ và Bắc trung bộ) thì không rõ, cũng không thấy ghi chép nào khẳng định Cao Biền là tín đồ của Đạo giáo, nhưng mối liên hệ giữa thuật phong thủy với các phương sĩ, đạo sĩ là có cơ sở. Dựa trên dấu vết của đô hộ phủ thời Đường, ta có thể thấy rằng chính trong thời Đường này, Đạo giáo và những quan niệm tín ngưỡng của văn hóa Trung Hoa đã xâm nhập mạnh vào miền Bắc Việt Nam.

Truyền thuyết về Lý Nam Đế còn lưu lại một câu chuyện gắn với bùa phép. Tương truyền rằng hai người con gái của Lý Nam Đế đấu phép với một con hồ ly tinh ở khu vực Trích Sài, hồ Tây, Hà Nội ngày nay. Họ đấu thua nhưng được một nữ phù thủy họ Ma hướng dẫn đạo thuật trừ hồ ly. Không có tài liệu ghi chép đạo thuật mà nữ phù thủy họ Ma này hướng dẫn cụ thể là gì nhưng ngôi đền thờ nữ phù thủy và hai cô công chúa nọ có tên là đền Phúc Lộc Thọ. Phúc Lộc Thọ chính là tên của Tam tinh trong quan niệm tiên đạo. Vị nữ phù thủy họ Ma tương truyền cũng chính là hóa thân của Kim Mẫu hay Tây Vương Mẫu, vị thần tiên quan trọng nhất của Đạo giáo Trung Hoa. Sau này, vua Lê Thánh Tông xây chùa Thiên Niên trên nền đất khu vực này. Sự tích liên quan đến đền Phúc Lộc Thọ còn được ghi lại trên bài bia ký của chùa Thiên Niên thời vua Minh Mạng. Mặc dù vậy, khó có thể xác thực được sự việc này bởi cuối thời Lê và trong thời Quang Trung, nhiều công trình Đạo giáo được xây dựng quanh khu vực Hồ Tây. (7)

Như vậy, kể từ câu chuyện Tôn Sách nói về việc người Giao Châu đánh đuổi vị thứ sử học trò bùa phép cho đến sự tích con gái Lý Nam Đế đùng đạo thuật để đánh đuổi hồ ly tinh chín đuôi, Đạo giáo nói riêng và hệ thống thống tín ngưỡng của Trung Hoa nói chung đã dần dần chiếm ưu thế và đặt những nền móng vững chắc trong đời sống tâm linh cũng như chính trị ở khu vực miền Bắc.

Vị thế chính trị của Đạo giáo trong thời kỳ xây dựng nền độc lập

Nền độc lập tự chủ tại miền Bắc Việt Nam chỉ bắt đầu từ sự kiện năm 938, Ngô Quyền đánh đuổi quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng. Ngay sau đó là cuộc biến loạn 12 sứ quân. Lịch sử ghi chép về thời kỳ loạn 12 sứ quân không nhiều nên ta khó có thể biết được Đạo giáo trong thời kỳ này đã có các thay đổi ra sao. Chỉ biết rằng khi Đinh Tiên Hoàng thống nhất 12 sứ quân, lập nước Đại Cồ Việt, định đô ở Hoa Lư, đã cho mời một tăng, một đạo làm cố vấn cho triều đình. Chế độ một tăng, một đạo cố vấn cho triều đình duy trì đến thời Lý.

Vị đạo sĩ được mời làm cố vấn cho triều đình thuộc trường phái nào của Đạo giáo thì không thấy có ghi chép lại, nhưng ở thời Lý – Trần, những cuộc loạn lạc do mê tín dị đoan, bùa phép khá phổ biến. Đại Việt sử ký toàn thư có ghi lại sự việc trong thời Lý có Lý Giác ở Diễn Châu học được phép thuật biến cây cỏ thành người, đã khởi binh làm loạn chống lại triều đình. Vào thời Trần Phế Đế, năm 1379, ở Bắc Giang có Nguyễn Bổ cho là mình có nhiều phép thần, tự xưng vương, lấy hiệu Đường Lang Tử Y. Trong thời Hồ, một cuộc khởi nghĩa liên quan đến người tu phép thần thông khác cũng bị dẹp. Thậm chí, cho đến thế kỷ 19, tình trạng khởi nghĩa của người tu phép phù thủy cũng không dứt. Hậu duệ nhà Mạc là Mạc Đĩnh Phúc tuyên truyền mình có phép lạ điều khiển được đạn súng đã đứng lên kêu gọi khởi nghĩa chống quân Pháp xâm lược vào năm 1895. Đầu thế kỷ 20, còn có khởi nghĩa Trần Cao Vân (1916) và khởi nghĩa của Phan Xích Long, người sáng lập Thất Sơn Thần Quyền (1912).  Những cuộc khởi nghĩa này đều chịu ảnh hưởng lớn từ mô hình khởi nghĩa Khăn Vàng của Trương Giác ở thời Tam Quốc. Chúng ta sẽ quay lại những cuộc khởi nghĩa của người tu đạo trong thế kỷ 20 ở bài 4, bây giờ sẽ tiếp tục với tình trạng Đạo giáo Việt Nam trong thời phong kiến.

Đến thời Lê, Nho giáo chiếm vị trí độc tôn trong chính quyền trung ương, vị thế của Phật giáo giảm sút, thế nhưng Đạo giáo vẫn duy trì vị thế quan trọng. Vua Lê Thánh Tông, vị thánh quân Nho giáo lại có xu hướng gần với tiên đạo hơn cả so với các vua trước ông. “Thánh Tông di thảo”, tác phẩm tương truyền là các ghi chép của Lê Thánh Tông về các câu chuyện kỳ dị, ma quái cho thấy sự hứng thú của vị vua này với tiên đạo. Trong truyện “Gặp tiên ở hồ Dâm Đàm”, Lê Thánh Tông tỏ rõ cái nhìn ảnh hưởng của tiên đạo qua lời thoại của vị tiên nhân:

“Kìa: đài cao tàn vàng, ra thì đường tất, vào thì khua chuông, thảm lông, lầu rồng nắm quyền cương của trời mà cầm quả ấn bằng ngọc, không phải là không cao quý. Nhưng so với xe mây, ngựa hạc, sáng đón mặt trời bể khơi, chiều trông mây núi ở Vu Giáp thì đằng nào phóng khoáng hơn? Hải vị sơn hào, đủ thức trân cam trong bốn biển, gầm trời mặt đất, ai nấy quy phục về một người, thiên hạ còn ai hơn nữa. Nhưng so với rượu ngọc chén quỳnh, ăn tinh hoa của muôn loài cây cỏ, cũng những thứ bàn đào ba ngàn năm khai hoa, ba ngàn năm kết quả, thì đằng nào quý giá hơn? Núi non gấm vóc, ta làm chủ ông, đất sạch dòng trong, ta làm chỗ nghỉ, phàm những nơi cánh đồng loan phượng, non sông khuê bích trong bầu trời, đều có vết chân ta đi tới. Nếu so với phận định từ trời, trị vì có hạn, thì ai rộng ai hẹp, ắt thấy rõ ràng. Huống chi lá sen làm áo, mo rụng làm mũ áo trời không phải may mà đường khâu tuyệt diệu. Thơ ngâm ngàn cuốn, ở rừng hổ báo không lo, rượu quẩy một bầu, vượt biển ba đào không sợ. Ngâm trăng hát gió, thân rồng phượng há nhọc tinh thần, cũ đổi mới thay, chốn bồng doanh kéo dài ngày tháng. Kìa những người nát óc nhọc thân, một ngày muôn việc, bốn cõi hoặc có nơi ngang ngạnh, một người hoặc không được đội ơn, thì trời chưa sáng đã mặc áo, bóng tới trưa mới được ăn, cải trang du hành, suốt ngày chưa xong việc, chỉ những lo nghĩ mà già. So ra ai bận ai nhà, cũng thấy rất rõ. Được một ngày nhàn rỗi, thì dù đem ngôi vạn thặng mà đổi cũng không thiết, huống chi là bạn với thái tử, huống chi là được trao trọng quyền.” (8)

Ở một bài thơ vịnh động Hồ Công, địa điểm có lưu giữ truyền thuyết về đạo sĩ tu đạo, Lê Thánh Tông cũng thể hiện tư tưởng vô vi ảnh hưởng từ Đạo giáo:

“Thế thượng công danh đồ thị mộng

Hồ trung nhật nguyệt bất thăng nhàn”

Nghĩa là:

“Cuộc thế công danh như giấc mộng

Bầu tiên mừng nguyệt thú vô cùng” (9)

Tuy nhiên, trong “Thánh Tông di thảo”, các trước tác thơ ca hay sử liệu không thấy nói đến việc Lê Thánh Tông theo Đạo giáo hoặc tu đạo thuật, cũng không nhắc đến việc Lê Thánh Tông cho phép sử dụng phép thuật. Tư tưởng Lê Thánh Tông ca ngợi gần gũi với cái nhìn vô vi của Trang Tử trong “Nam Hoa Kinh” và thấm đậm chất tài tử của thi gia hơn là màu sắc tôn giáo.

Nếu các bạn đọc lại bài 1 viết về các nền tảng hình thành nên Đạo giáo sẽ thấy rằng Đạo giáo bao hàm trong đó các tín ngưỡng và tư duy cổ đại của Trung Hoa như phong thủy, chiêm bốc, kinh dịch, y đạo, khí công …v…v… Những yếu tố này cũng được du nhập vào Việt Nam trong quá trình Đạo giáo ảnh hưởng tới miền Bắc nước ta. Thậm chí ngay cả các vị thiền sư trong dòng Tì ni đa lưu chi cũng tiếp nhận. Vạn Hạnh Thiền sư, người có công đưa Lý Công Uẩn lên ngôi vua cũng là một vị có hiểu biết về đạo thuật, ông đã viết bài sấm ký và tạo ra các điềm để từng bước dân vận cho sự lên ngôi của họ Lý. Nhà sư Không Lộ, một vị khác của dòng thiền này cũng thể hiện cái nhìn ảnh hưởng từ quan niệm phong thủy trong câu thơ: “Trạch đắc long xà địa khả cư” nghĩa là “Mảnh đất long xà chọn được nơi”. Vua Lý Thái Tổ tức Lý Công Uẩn, khi viết chiếu dời đô cũng phân tích lý do chọn thành Đại La dựa trên quan niệm phong thủy. Thành Đại La được mô tả có thế “rồng cuộn hổ ngồi”, tương ứng với quan niệm đất tốt trong phong thủy cổ đại “tả thanh long, hữu bạch hổ”. Cuốn “Binh thư yếu lược” của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn cũng có ghi lại thuật chiêm tinh ứng dụng trong chiến trận của vị danh tướng này. Lịch sử Việt Nam còn ghi nhận danh sĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm là người giỏi thuật số và dịch lý, nổi tiếng với sấm Trạng Trình. Ngoài ra, các danh sĩ Nho giáo khác như Phùng Khắc Khoan, Lê Qúy Đôn, Nguyễn Thiếp… đều thông thạo thuật số. Nguyễn Thiếp còn được vua Quang Trung mời đến Nghệ An xem thế đất và xây dựng Phụng Hoàng Trung Đô. Như vậy, về mặt chính thống, Đạo giáo có ảnh hưởng tới chính quyền nước Việt thời phong kiến tư tưởng của Đạo gia kết hợp với tư duy vũ trụ luận và bản thể luận trong tín ngưỡng Trung Hoa cổ đại. Còn các thuật bùa phép, trấn yểm giống với Thái Bình đạo không có được vị thế chính thống, thậm chí nhiều lần gắn liền với các nhóm nổi loạn.

Các biến thể trong dân gian và quá trình địa phương hóa

Ảnh hưởng rõ nét nhất của Đạo giáo trong dân gian lại chính là tục thờ thần tiên. Không ít địa danh ở miền Bắc Việt Nam gắn liền với các vị thần, vị tiên trong Đạo giáo Trung Hoa, ví dụ như Động Tam Thanh thờ ba vị thiên tôn trong Đạo giáo (Lạng Sơn), đền Trấn Vũ thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ (Hà Nội), đền Đậu An thờ Ngọc Hoàng (Hưng Yên)… Thế nhưng, đa dạng hơn thế là hệ thống các vị thần tiên Việt Nam với nhiều sự tích đa dạng.

Các vị tiên tu đạo trên đất Việt: Các đạo sĩ thường có xu hướng tìm những nơi thâm sơn cùng cốc để tu đạo, do đó miền Bắc Việt Nam là một khu vực lý tưởng cho họ. Rất nhiều danh sơn trong khu vực này gắn liền với các tiên nhân. Nổi tiếng nhất có lẽ phải kể đến Yên Kỳ Sinh với núi Yên Tử (Quảng Ninh). Từ trước khi Thiền tông Trúc Lâm xây dựng trung tâm Phật giáo tại Yên Tử thì đây là mảnh đất của Đạo giáo với truyền thuyết về vị tiên nhân Yên Kỳ Sinh tu luyện linh đan. Theo Liệt Tiên truyện, Yên Kỳ Sinh là vị tiên nhân từ thời Tần Thủy Hoàng, đã đến vùng đất Yên Tử để tìm cây thạch xương bồ rồi ở tại đây để tu luyện (10). Những sự tích khác như tiên nhân ở động Hồ Công (9); tiên nhân ở núi Nưa thuộc Triệu Sơn, Thanh Hóa (11); chùa Tiên và giếng Tiên tại Lạng Sơn (12); Từ Thức gặp tiên gắn liền với một loạt các địa danh như huyện Tiên Du thuộc Bắc Ninh, cửa biển Thần Phù thuộc Ninh Bình, núi Hoàng Sơn huyện Nông Cống thuộc Thanh Hóa (13)… cũng cho thấy hiện trạng quy ẩn rừng núi tu đạo không phải là chuyện xa lạ trong văn hóa Việt Nam.

Thánh hóa các vị thần bản địa : Thánh hóa các vị thần bản địa chính là các yếu tố Đạo giáo được chính quyền phong kiến sử dụng để thống nhất tín ngưỡng của các địa phương; hoặc khi các nhà truyền đạo muốn tạo ảnh hưởng tới một địa phương nào đó. Hiện tượng này có biểu hiện rất đa dạng, ở đây tôi chỉ xin được liệt kê 4 trường hợp đó là Đức Thánh Tản Viên, Chử Đồng Tử, Trần Hưng Đạo, Mẫu Liễu Hạnh với hệ thống Đạo Mẫu.

Đức Thánh Tản Viên, như chúng ta đã biết chính là phong hiệu của Sơn Tinh núi Ba Vì (Hà Tây). Câu chuyện về Đức Thánh Tản Viên được ghi chép lại trong “Việt điện u linh” và “Lĩnh Nam chích quái” đã mang màu sắc thánh hóa. GS Từ Chi trong nghiên cứu về người Mường đã ghi lại vị trí quan trọng của núi Ba Vì – tiếng Mường là Pá Ví – trong tâm thức của dân tộc này: Tản Viên vốn là con trai của bố Clượng, một vị thầy chuyên hành lễ cho linh hồn người sống. Bố Clượng được Vua Khú mời xuống thủy cung để cứu một Khú con đi chơi, mắc lưới quấn cổ không thở được. Nhờ có công cứu hoàng tử, Vua Khú tặng ông “con dao ước” và dặn rằng chỉ được dùng lúc còn sống, khi sắp chết phải trả lại cho vua. Nhờ có dao thiêng, gia đình Bố Clượng trở nên giàu có nhưng bất thình lình bố mất mà không kịp dặn con trai trả dao cho Vua Khú. Hôm đám tang, bọn Khú kéo đến rất đông để đòi dao nhưng người con trai không biết chuyện “Con dao Ước”. Bọn Khú tưởng anh ko chịu trả liền dâng nước để trừng phạt. Anh con trai bỏ chạy, cứ hướng núi cao chạy, khi lên đến đỉnh núi Ba Vì thì nước ngừng dâng. Từ đó trở vị thần núi tại đây. Người Mường ở Thanh Sơn lại kể một câu chuyện khác về vị thần núi Ba Vì, có liên quan đến một người đàn bà tên là Đinh Thị Đen do ngủ quên trên một tảng đá mà thụ thai và sinh ra người con trai. Sau người con trai này học phép thuật với một người phụ nữ họ Ma, chẩu mường ở núi Pá Ví, rồi thừa kế luôn địa vị của Ma thị. Tương truyền Ma thị chính là Mẫu Thượng Ngàn trong Tứ Phủ. Hai câu chuyện này tuy khác nhau về cốt truyện nhưng đều cho thấy gốc tích Mường của vị thần núi Ba Vì. Trong quá trình ghi chép “Việt điện u linh” và “Lĩnh Nam chích quái” các tác giả theo tư tưởng Nho gia đã thánh hóa vị thần Mường này và khoác lên đó cái vỏ Đạo giáo với chức danh “Đức Thánh”.

Truyền thuyết về Chử Đồng Tử được ghi lại trong “Lĩnh Nam Chích quái”, một trước tác thời Lê Thánh Tông với tên truyện là “Nhất Dạ Trạch”. Nguồn gốc của Chử Đồng Tử không rõ ràng và cũng không có nhiều dị bản như trường hợp thần núi Ba Vì, nên rất khó để đối chiếu và xác định. Trong Lĩnh Nam chích quái, ta biết rằng Chử Đồng Tử sống ở thời vua Hùng Vương thứ 3. Hùng Vương đến nay vẫn chỉ là huyền sử và khó có thể xác định gốc tích nhưng ở triều đại thứ 3 thì hẳn rằng chưa có tiên đạo và cũng chưa có Phật giáo. Thế nhưng, câu chuyện về Chử Đồng Tử có nhiều dấu vết của tiên đạo (tên Tiên Dung của công chúa) và Phật giáo (người dậy phép thuật cho Chử Đồng Tử là một tăng sĩ có tên Phật Quang). Như thế, “Lĩnh Nam chích quái” đã nhào nặn sự tích của một tộc nào đó về anh chàng may mắn lấy được con gái của một thủ lĩnh lại có được phép thuật trong tay. Chử Đồng Tử được các đạo sĩ nội tu của Việt Nam tôn vinh là Chử đạo tổ.

Trần Hưng Đạo là một trường hợp đặc biệt và thú vị trong quá trình “bị thánh hóa”. Bản thân Trần Hưng Đạo là người am hiểu các thuật trong Đạo giáo dù cho giữ vững tư tưởng trung quân của Nho giáo. Sau khi Trần Hưng Đạo qua đời, dân gian bắt đầu hình thành tín ngưỡng hầu đồng Đức Thánh Trần. Nguyên nhân dẫn đến việc Trần Hưng Đạo được tôn thờ như một vị thánh trong tín ngưỡng không phải xuất phát từ chiến công đánh thắng quân Nguyên Mông của ông, mà từ chiến công huyền thoại chặc đầu vị tướng Chiêm Thành có tên là Phạm Nhan. Phạm Nhan biết phép thuật, có thể chặt đầu này mọc đầu khác, nhưng Trần Hưng Đạo lại có thể chém chết. Truyền thống hầu đồng Đức Thánh Trần không dùng để cầu phúc như chúng ta thấy ngày nay mà chủ yếu là để trừ tà ma, vốn rất khác với tín ngưỡng Đức Thánh Trần đang phổ biến tràn lan hiện nay. (14)

Những học giả sùng tín đạo Mẫu, cố gắng chứng minh đạo Mẫu là tín ngưỡng thuần Việt, từ chối sự ảnh hưởng của Đạo giáo với hệ thống tín ngưỡng này. Thế nhưng, nếu xem xét lại sự tích về Mẫu Liễu Hạnh, vị thánh mẫu quan trọng nhất, và cuộc chiến Sòng Sơn được ghi chép lại trong “Tang Thương Ngẫu Lục” giữa Liễu Hạnh và Nội Đạo Tràng sẽ thấy rằng khó có thể chối bỏ các dấu vết Đạo giáo. Sự tích về Mẫu Liễu Hạnh cho thấy Liễu Hạnh có 3 lần giáng sinh và cả 3 lần này đều chịu sự điều tiết của Ngọc Hoàng, vị thần tối cao trong quan niệm thần tiên Trung Quốc. Ở lần giáng sinh thứ 2, Liễu Hạnh có tên là Giáng Tiên với ẩn ý rằng bà ta chính là thần tiên giáng trần. Ở lần giáng sinh thứ 3, lúc này đã là Liễu Hạnh, bà có một cuộc giao chiến pháp thuật với phái Nội Đạo Tràng tại Phố Cát, Thạch Thành, Thanh Hóa. Lúc này, phái Nội Đạo Tràng được triều đình phái tới để tiêu diệt Liễu Hạnh. Thanh thế của Nội Đạo Tràng lúc này rất lớn với hàng ngàn môn sinh từ kinh thành Thăng Long, Hưng Yên, Hải Dương, đến các vùng Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Đặc biệt, khu vực Thanh Hóa là trọng địa của Nội Đạo Tràng và sự ảnh hưởng của Liễu Hạnh lúc bấy giờ là sự cạnh tranh với thế lực này (15). Ban đầu, cho pháp lực thua kém các cao nhân của Nội Đạo Tràng nên Liễu Hạnh đấu phép thua phải bỏ chạy, chỉ đến khi quy y Phật giáo Liễu Hạnh mới có thể lật ngược tình thế. Chỉ bắt đầu từ sự lên ngôi của Mẫu Liễu Hạnh, tính ngưỡng thờ Mẫu mới bắt đầu có tính hệ thống, tích hợp với Mẫu Thượng Ngàn Ma thị của người Mường, Mẫu Thoải (tương truyền cũng là con của Ngọc Hoàng) và Mẫu Thượng Thiên. Một số thuyết còn cho rằng chính Mẫu Liễu Hạnh là Mẫu Thượng Thiên, đại diện cho trời, nhưng cũng có thuyết khác cho rằng Mẫu Thượng Thiên chính là Cửu Thiên Huyền Nữ của Đạo giáo Trung Quốc, lại có thuyết cho rằng Mẫu Thượng Thiên là quốc mẫu Tây Thiên ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Liễu Hạnh không đơn thuần là trường hợp thánh hóa các vị thần địa phương mà là trường hợp Đạo giáo phù thủy bị đồng cốt hóa. Mặc dù trong truyền thuyết có chi tiết Mẫu Liễu Hạnh quy y cửa Phật nhưng ta không thấy hệ thống tín ngưỡng của bà ta chịu ảnh hưởng của Phật giáo mà chỉ thấy đó là một cách để hợp lý hóa việc phối thờ Tứ Phủ trong nhà chùa.

Trong các tín ngưỡng liên quan đến Đạo giáo ở Việt Nam, khó khăn nhất trong việc tìm tư liệu có lẽ chính là Nội Đạo Tràng. Không rõ có phải vì giáo phái này mật tu hay do chưa được quan tâm đúng mức nên chưa có nhiều nghiên cứu cụ thể dù rằng đến nay Nội Đạo Tràng vẫn còn tồn tại. Tư liệu sớm nhất về Nội Đạo Tràng được tìm thấy đến nay là văn bản khuyết danh viết vào năm 1660. Các tư liệu khác đều có niên đại muộn hơn. Nội Đạo Tràng ra đời từ đầu thời Lê Trung Hưng, gắn liền với truyền thuyết về đạo sĩ Trần Ngọc Lành. Trần Ngọc Lành là con cầu tự của Quỳnh Lâm hầu, theo ghi chép của các tư liệu Nội Đạo Tràng thì ông là hậu kiếp của vua nước Tây Vực đầu thai mà thành. Sau Trần Ngọc Lành được gặp Dược Sư Phật rồi được phong làm Thượng Sư, mở trường dậy đạo thuật.  Cuốn sách “Nội đạo tràng liệt thánh bảo lục” còn ghi chép thêm về các hệ thống thần tướng phục vụ dưới trướng Thượng Sư. Nội Đạo Tràng được ghi chép lại trong “Tang thương ngẫu lục” của Phạm Đình Hổ với trận chiến ở Sòng Sơn tranh chấp với Liễu Hạnh. Giáo phái này có ảnh hưởng lớn ở vùng Thanh Hóa và Nghệ An dưới thời Lê, đến nay, ở Quảng Xương, Thanh Hóa vẫn còn có 3 làng theo Nội Đạo Tràng và lưu giữ đền thờ Trần Ngọc Lành. Nội Đạo Tràng là một hiện tượng tôn giáo phức tạp mà trong đó giáo lý thuộc Phật giáo nhưng cách tu luyện và dùng phép thuật lại giống với Đạo giáo. Bản chất trận chiến giữa Nội Đạo Tràng và Liễu Hạnh chỉ là trận chiến giữa hai Đạo phái phù thủy đã bị lai tạp để tranh chấp địa bàn hoạt động và sự ảnh hưởng mà thôi. (16)


CHÚ THÍCH 3:

(1) Từ điển Hán-Việt, Nhà xuất bản TP.HCM, 2002, trang 1558 – Phan Văn Các (chủ biên), Hồ Hoàng Biên, Phó Thị Mai, Đỗ Thị Minh, Chu Quý, Lê Văn Tầm, Chu Quang Thắng, Ngô Văn Tuyển.

(2) Việt Nam Phật giáo sử luận, Nhà xuất bản Văn học, 2000, trang 27 – Nguyễn Lang

(3) Văn minh Đại Việt, NXB Văn hóa Thông tin, 2005 – Nguyễn Duy Hinh

(4) Quyển “Tôn phá Lỗ thảo nghịch truyện”, trích trong phần “Ngô thư”, sách “Tam Quốc chí” của Trần Thọ (Biên dịch Bùi Thông)

(5) Di tích Tây Hồ, tr 336, NXB Hà Nội 2016

(6) https://baodatviet.vn/van-hoa/nguoi-viet/ngoi-mo-han-duoi-dinh-quan-la-2285198/

(7) Di tích Tây Hồ, tr 23,24,25, NXB Hà Nội 2016

(8) Thánh Tông di thảo, Nguyễn Bích Ngô dịch, Nhã Nam phát hành, 2016

(9) https://thanhhoa.tintuc.vn/du-lich/dong-ho-cong-ve-dep-ky-thu-cua-xu-thanh.html

(10) https://giadinh.net.vn/giai-tri/yen-tu-pho-tuong-an-ky-sinh-va-nhung-bi-an-cho-giai-ma-2010052704331833.htm

(11) https://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/huyet-dao-thieng-tren-dinh-ngan-nua-20170115202142389.htm

(12) https://hanhtrinhtamlinh.com/chua-tien-song-tien-tu/

(13) https://www.hannom.org.vn/web/tchn/data/9904_a.htm

(14) Cung Văn và hầu điện, Lê Y Linh, NXB Khoa học xã hội, 2015

(15) https://www.phatgiaobaclieu.com/content/view/1410/51/

(16) https://hocthuatphuongdong.vn/index.php?topic=5134.0

Nguồn: https://bookhunterclub.com/nguon-goc-cua-dao-giao-va-su-anh-huong-toi-viet-nam/?fbclid=IwAR07Fe_8na74AGGecQSHp4d4cXMDlz9sjyBK2WB_CRRBQeNu-r2Az8npXk4

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *