Thứ năm, 02/01/01,2025 14:41 UTC +7
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ   Hiệp hội nghiên cứu Đạo giáo Việt Nam
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ Hiệp hội nghiên cứu Đạo giáo Việt Nam
TAOISM RESEARCH ASSOCIATION OF VIETNAM
Quay lại trang chủ

TỐNG CỰU NGHÊNH TÂN – ĐƯA TIỄN TÁO QUÂN VỀ TRỜI NGÀY 23 THÁNG CHẠP

Lời giới thiệu

 

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, đa văn hoá, đa tín ngưỡng, đa tôn giáo. Bên cạnh sự tiếp thu, ảnh hưởng các giá trị về văn hoá, tín ngưỡng tôn giáo từ các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, người Việt cũng đã xây dựng, tạo lập, duy trì, bảo vệ và phát triển những giá trị văn hoá – tín ngưỡng hết sức độc đáo và thiêng liêng của riêng mình.

“Tống cựu nghinh tân”, là một trong những nét văn hoá truyền thống đặc sắc của dân tộc Việt, nghi thức này được hiểu là đưa tiễn cái cũ đi, nghênh đón cái mới về, hoạt động này thường diễn ra vào dịp cuối năm Nông lịch (năm âm lịch), thời gian thường bắt đầu từ ngày 23 tháng chạp (23/12 âm lịch) cho đến trước đêm ngày 30 tết khi đó các hoạt động văn hoá, tín ngưỡng trong khoảng thời gian này gọi là “Tống cựu” đưa tiễn cái cũ, kế tiếp ngay sau đó là các hoạt động văn hoá, lễ hội gắn liền với các hoạt động tín ngưỡng – tôn giáo được diễn ra từ sáng ngày mồng một tết nguyên đán cho đến hết ngày 15 tháng giêng thường gọi là lễ Thượng Nguyên, hoạt động này được gọi là Nghênh tân (đón tiếp cái mới của năm mới).

Gắn liền với các hoạt động “tống cựu nghệnh tân” là các hoạt động nghi lễ mang màu sắc tín ngưỡng, tôn giáo. Tuy nhiên, các hoạt động này người Việt ít biết đến như một hoạt động có ý nghĩa tôn giáo, mà thường chỉ biết đến như hoạt động dân gian truyền thống.

Để minh bạch các hoạt động liên thuộc trong các nghi thức “Tống cựu nghênh tân” diễn ra vào dịp cuối năm. Chúng tôi, Đại La Quán tổ chức biên soạn tài liệu hướng dẫn “Nghi thức tống cựu nghênh tân của người Việt” trong mối quan hệ ảnh hưởng trực tiếp thông qua các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của Đạo giáo thần tiên (thường có nhiều cách gọi khác nhau: Đạo Lão, Đạo Gia,…) đã từng tồn tại hằng ngàn năm trong văn hoá, tín ngưỡng, tôn giáo của người Việt như một giá trị đặc sắc trong dòng chảy lịch sử – tư tưởng, văn hoá và tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam, mà chúng ta, hậu nhân của các bậc thánh hiền cần phải có trách nhiệm duy trì, bảo vệ và phát triển những giá trị mà ông cha đã xây dựng nên.

          Những nghi thức quan trọng trong hoạt động “Tống cựu nghênh tân” thường diễn ra vào dịp tết nguyên đán cổ truyền bao gồm các hoạt động như sau:

  1. Tống tiễn Táo quân (tạ Táo quân ngày 23 tháng chạp),
  2. Bao sái, hoá chân nhang lư hương,
  3. Nghi lễ mời thỉnh gia tiên,
  4. Nghĩ lễ cúng cuối năm (chiều 30 tết),
  5. Nghi lễ nghênh đón năm mới (đêm giao thừa),
  6. Nghi lễ ngày tết,
  7. Chọn tuổi xông đất,
  8. Nghi lễ nghênh tài,
  9. Nghi lễ nghênh sao giải hạn,
  10. Nghi lễ ngày rằm tháng riêng (Tết Thượng nguyên).

Các hoạt động mang tính nghi lễ trên, tựu chung thường được người Việt hết sức quan tâm và xem trọng, nó được coi như biểu tượng trong văn hoá, tín ngưỡng của người Việt xưa và nay.

Để Việt hoá và hiểu rõ hơn về quy trình, phương pháp thực hiện các nghi thức, nghi lễ liên quan. Chúng tôi giới thiệu và nhất quán quan điểm về các nghi thức, nghi lễ trên trên phương diện tín ngưỡng – tôn giáo của Đạo giáo Thần tiên, tôn giáo mà chúng tôi tin tưởng rẳng, hầu hết mọi người dân Việt Nam đều chịu những ảnh hưởng và thực hành theo. Xong hầu hết người Việt lại ít nhận thức và ít biết đến như là một tôn giáo, thường có sự nhầm lẫn đối với các hình thức của những tín ngưỡng – tôn giáo khác. Và chúng tôi cũng xác tín rằng, ngoài Đạo giáo, trên mảnh đất của người Việt, các nghi thức, nghi lễ nêu trên hoàn toàn không tồn tại trong bất kỳ một hình thức biểu hiện của một tôn giáo hiện có nào trên đất Việt.

Trong khuôn khổ của vấn đề chúng tôi cố gắng biên soạn, dẫn chứng những tư liệu trong hệ thống kinh văn Đạo tạng Đạo giáo có liên quan để tín chúng có cái nhìn bao quát, hệ thống nhất về lịch sử, nội dung của những nghi lễ “Tống cựu nghênh tân” trong văn hoá của người Việt.

 

  1. Táo quân và nghi thức thờ cúng
    • Tên gọi

Táo quân, hay Táo Thần, Táo Vương tên gọi đầy đủ trong phả hệ Thần tiên Đạo giáo được ghi là: “Đông Trù Tư  Mệnh Cửu Linh Nguyên Vương Định Phúc Thần Quân(東廚司命九靈元王定福神君) tục xưng “Táo Quân, hoặc xưng “Táo Quân Công”, “Tư  Mệnh Chân Quân”, “Cửu Thiên Đông Trù Yên Chủ”, “Hộ Trạch Thiên Tôn” hoặc “Táo Vương”, miền Bắc Việt Nam gọi Ngài là “Thổ công Táo quân”. Trong phả hệ Thần tiên Đạo giáo, Táo Quân được Ngọc Hoàng Đại Đế sắc phong cho Thần hiệụ là: Ngọc Thanh Phụ Tướng Cửu Thiên Đông Trù Tư  Mệnh Táo Vương Chân Quân” (玉清輔相九天東廚司命灶王真君), ngoài ra còn có thánh hiệu khác như: “Đông Trù Tư Mệnh Định Phúc Chân Quân” (東廚司命定福真君) hoặc “Cửu Thiên Tư  Mệnh Hộ Trạch Thiên Tôn”(九天司命護宅天尊). Đông trù (東廚) là chỉ chung cho tất cả các nhà bếp.

  • Nghi thức thờ cúng

Thờ Táo Thần là một tập quán có từ xa xưa của nước ta. Nó có nguồn gốc rất sớm. Trong sách Chu Lễ đã ghi tên Ngài Tử Lê ở Dụ Tỏa là Táo Thần rồi. Tại Huế, trong Tử Cấm Thành bên trong Thế Miếu hiện nay vẫn còn một công trình có tên là “Đông Thần Trù” hay còn gọi là “Đông Trù”, ‘Thổ Công Từ” chính là nơi thờ tự Táo Quân, cũng như là nơi chuẩn bị, sắp lễ phục vụ việc cúng tế.

Hiện nay, trong dân gian của mỗi nhà, người Việt thường đưa vào thờ cúng thêm các vị thần khác như: Môn Thần (thần giữ cửa nhà), Tỉnh Thần (thần giếng), Xí Thần (thần nhà cầu), Thần Trung Lựu (giữ nhà) và Táo Thần. Năm vị thần linh nầà phụ trách việc gìn giữ sự bình an hạnh phúc cho một gia đình, thuộc về “thần gia đình”. Cho nên, tại các đình miếu không thờ Táo Thần, nên không thấy  miếu đình nào có chỗ thờ Táo Thần cả.

Đời Đông Hán, Khổng An Quốc trong quyển “Cháu mười ba đời Khổng Tử” (孔子十三世孫) có viết: “Táo Thần có chức trách ghi chép công và tội của người trong nhà để tâu lên thiên đình, thờ phụng Ngài để có phúc lành”. Như vậy, nhiệm vụ của Táo Thần rất quan trọng, ngoài việc quản lý về bếp núc tức sự ăn uống để sống của con người , còn có thêm nhiệm vụ theo dõi việc thiện ác của con người nữa.

Ở miền Nam Việt Nam, đa số gia đình thường treo một tấm hình Ông Táo ngay trên vách bếp, hoặc  một bài vị bằng gỗ viết “Đông Trù Tư  Mệnh Định Phúc  Táo Quân Chi Thần Vị” hay “Định Phúc táo Quân”. Hai bên có hai câu liễn: “Thượng thiên ngôn hảo sự – Hạ giới bảo bình an” (Lên trời tâu việc tốt – Xuống phàm hộ bình an). Hình ảnh Táo Thần tùy nơi mà vẽ khác nhau. Thường thì vẽ hình hai ông một bà. Theo đó, một ông là Thổ công trông coi việc bếp núc, một ông làm Thổ địa trông coi việc nhà cửa đất đai, và một bà là thổ kỳ trong coi việc chợ búa. Lại có những nơi chỉ họa một vị thôi, gọi là “Độc Tọa táo Vương” (một vua Táo ngồi).

Trịnh Hoài Đức trong sách “Gia Định thành thông chí chép về phong tục của người phương Nam: (Cư dân vùng Gia Định) có tục thờ thần Táo quân, ở hai bên vẽ hai hình người nam, ở giữa vẽ một hình người nữ, cũng tượng trưng của quẻ Ly Hỏa có ý là hai hào dương ở giữa một hào âm làm chủ.

Sách Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính cũng chép: Hai mươi ba tháng chạp là Tết Táo quân. Ta thường cho hôm ấy là ngày vua bếp lên chầu trời. Nguyên trong đạo của Lão Tử có nói rằng: Ngày hai mươi ba tháng chạp thì Táo quân lên chầu trời để tâu việc thiện ác của nhân gian. Ta theo điển ấy nên đến ngày đó thì mua hai mũ ông, một mũ bà để thờ và mua con cá chép để làm ngựa cho Táo quân lên chầu trời.

Mặc dù truyền thuyết về Táo quân có khá nhiều dị bản nhưng hầu khắp các vùng miền ở Việt Nam việc thờ Táo quân hay Thần Bếp như một tín ngưỡng không thể thiếu trong đời sống người Việt. Ông Táo được quan niệm là vị thần cai quản mọi việc trong nhà, coi xét đánh giá những việc đã làm trong năm của gia chủ. Cuối năm vào ngày 23 tháng Chạp, ông có trách nhiệm lên trời báo cáo Ngọc Hoàng những sự kiện xảy ra trong năm ở trần gian. Vì vậy người Việt thường làm lễ tiễn Ông Táo thật thịnh soạn với mong muốn những điều tốt đẹp nhất sẽ được thưa với Ngọc Hoàng.

Cho đến nay tục thờ Táo quân vẫn được hầu hết các gia đình người Việt coi trọng gìn giữ như một một phong tục truyền thống đẹp, mang ý nghĩa nhân văn, mong muốn mọi người cả năm làm điều tốt để cuối năm được Táo quân và Ngọc Hoàng ghi nhận.

Trong quan niệm của Đạo giáo cho rằng Táo Thần ở trên tầng trời Cửu Thiên giữ sổ sách xuất sinh của con người, nên tôn là“Cửu Thiên Tư Mệnh Chân Quân”. Có thuyết nói Táo Quân là con trai của Chuyên Húc đời Tam Hoàng Ngũ Đế. Sách “Chu Ký” viết: “Chuyên Húc có đứa con trai tên LY, tự Chúc Dung, được thờ làm Táo Thần” (周記:上記載:顓頊氏有子曰犁,為祝融,祀以為灶神). Có thuyết lại cho rằng , Ông Táo chính là Viêm Đế thuộc họ Thần Nông khi xưa, chết được Ngọc Đế phong làm Táo Thần. Trong sách “Hoài nam Tử” ghi “Viêm Đế giữ chức  Hỏa Quan, chết làm Táo Thần” (淮南子:上記載:炎帝作火官,死為灶).

Sở dĩ Táo Thần được nhân gian kính trọng là vì, ngoài bổn phận cung cấp thức ăn để nuôi sống con người, ngài còn có chức trách theo dõi sinh hoạt tốt xấu của người trong nhà nữa. Thế nên, Ngài có hai vị phụ tá, một vị là “Thiện Quán” (xem xét việc tốt), một vị là “Ác Quán” (xem xét việc xấu) của con người để ghi chép lại. cuối năm tổng kết cho Táo Quân về trình tấu với Ngọc Hoàng Đại Đế . Ngày hai mươi bốn tháng chạp thì Táo Thần sẽ lìa thế gian trở về thiên đình để tâu trình kết quả của mỗi nhà trong năm đó. Cho nên, dân gian có tục “Đưa Ông Táo” vào chiều ngày 23 tháng chạp.

Trong sách “Kính Táo Toàn Thư” (敬灶全書) nói, “Táo Thần hưởng nhang khói của một nhà, gìn giữ sức  khỏe cho người trong gia đình, theo dõi việc thiện ác của nhà đó, tâu trình công hay tội của nhà đó” (thụ nhất gia hương hỏa, bảo nhất gia khang thái, sát nhất gia thiện ác,  tấu nhất gia công quá). Theo thuyết nói rằng, nếu bị Táo Thần cử tội lên thì Ngọc Hoàng Đại Đế sẽ giảm thọ cho người đó, nếu nặng thì bị giảm thọ ba trăm ngày, nhẹ thì giảm thọ một trăm ngày.

Việc cúng tiễn  Táo Thần dựa vào qui tắc : “Quan tam, dân tứ, đặng gia ngũ”.

Quan là chỉ cho những nhà quan chức quyền quí, tập quán cúng tiễn vào ngày 23.

Dân là chỉ cho bá tánh bình thường, cúng tiễn ngày 24.

Đặng gia là chỉ cho giới cao cấp thượng lưu, cúng tiễn ngày 25.

Nhưng thường trong dân gian lại dùng ngày 23 để cúng tiễn,  là vì hy vọng “lấy hơi quan” để nhà mình được phát đạt.

1.3. Phẩm vật để cúng tế

Cúng tế Táo Thần thường là những vật phẩm vừa ngọt vừa dẻo như là: dưa hấu, kẹo mạch nha, kẹo kéo, bánh da lợn, đường thốt nốt, mật mía, mật ong…Dụng ý là để cho thức ăn còn dính vào miệng của ông Táo,  khi Táo Thần về trời chỉ tâu những điều tốt lành “ngọt ngào” của người nhà thôi. Thế nên có câu: “Ngật điềm điềm—Thuyết hảo thoại” (ăn ngọt ngọt, nói việc tốt) và  câu: “Hảo thoại truyền thượng thiên – Hoại thoại đâu nhất biên” (Nói tốt trình lên trời, việc xấu tránh qua bên). Ngoài ra, cũng để “trám miệng” ông Táo, người ta cũng thường cho ông uống một loại rượu đặc sản,  dùng riêng cúng ông Táo, gọi là “Túy Tư Mệnh” ( ông Táo say), hoặc rượu ngâm với Táo đỏ (Hồng Tửu). Mục đích là cho ông Táo say, quên đầu quên đuôi, chẳng nhớ gì mà tâu trình. Do đó, cúng tế Táo Thần có ý nghĩa là “cầu phúc tránh họa” vậy.

Khi cúng tiễn Táo Quân, dọn bày phẩm vật ra, đốt hương để cúng, rót rượu lần thứ nhất, khấn vái cầu xin điều gì, tiếp theo rót rượu lần thứ hai, rồi lần thứ ba. Sau đó, kèm với hình cá chép và giấy tiền vàng bạc đốt chung, hoàn thành lễ  đưa tiễn Táo Quân về trời. Có nơi dùng hình cá chép (cá chép làm bằng vàng mã), có nơi lại dâng cúng 3 con cá chép sống,…về thực chất là hoàn toàn sai. Đạo giáo quan niệm vật phẩm cúng tế đều phải đun nấu lên, vì thế cá chép thường chiên giòn lên để dâng cúng, đến khi nghênh đón Táo quân về lại dương gian thì lấy ba con cá chép, một con chiên, một con nấu canh, một con kho mặn để dâng cúng.

Ngoài ra, cần nhớ khi đốt hoá vàng mã, tiền vàng ở ngoài trời xong rồi, phải nhặt lấy ít tro của đặt vào bình, mang đến trước bàn thờ Táo quân van vái: “Thượng thiên ngôn hảo sự – Hồi cung giáng bình an” (lên trời tâu việc tốt – trở về hộ bình an), đại khái là những lời vái như thế , ý cầu xin Ngài đừng tâu việc xấu và khi trở về phù hộ độ trì cho toàn gia đình được bình an may mắn, tránh khỏi những việc không hay cho gia đình mình.

Sau lễ tiễn đưa ông Táo rồi, đến ngày mùng bốn tháng giêng phải nhớ làm lễ rước Ngài về. (có nơi cúng vào đêm giao thừa) gọi là lễ “Tiếp Táo” hay “Tiếp Thần” (đón thần Táo). Lễ nầy rất đơn giản, treo hình tượng mới của Táo Quân và  bài vị trên hương án lập ở ngoài sân, tượng trưng là Ngài đã  trở về đến nhà, trấn thủ trong gia đình để tiếp tục phù hộ và giám sát việc thiện ác.

Tuy nhiên, hiện nay đa phần ở dân gian việc đưa tiễn Táo quân về chầu trời ngày 23 tháng chạp thì nhiều nhà làm, xong rất ít nhà nghênh đón Táo quân về an trấn, thờ phụng

Việc đưa tiễn Ông Táo thì không nên làm trước ngày 23 tháng chạp, nên thực hiện từ ngày 23 đến này 25 tháng chạp cho đúng với nghi lễ.

Vật phẩm và nghi thức cúng tế Táo quân ngày 23 tháng chạp bao gồm:

3 cây nhang trầm hương hoặc hổ phách (loại nhang nầy có mùi thơm đậm,cúng thần rất tốt, truyền thuyết nói rằng mùi thơm của nó có thể bay thấu lên trời)

– 3 (5) chén rượu hâm nóng (vì trời lạnh)

– 2 cây đèn cầy đỏ

– 3 (5) chén hồng trà

– 3 con cá chép chiên

– 9 miếng đường hoặc một bình mạch nha.

– 5 đĩa trái cây

– 1 khổ thịt luộc

– 5 đĩa xôi gấc (tương truyền khi ông Táo ăn xôi vị thì tiếng nói không còn trong trẻo, nên Ngài ngại không dám nói nhiều để tâu trình Ngọc Hoàng)

–  9 bộ áo mão Táo Quân, giấy tiền vàng bạc, giấy vàng khối.

– 1 bộ áo mão Thổ địa

– Sớ Táo Quân (có đóng dấu Đạo Kinh Sư bảo) (không thể thiếu).

* Khoa nghi cúng tế Táo Quân về Trời xem ở phần sau

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *