Thứ bảy, 21/12/12,2024 12:15 UTC +7
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ   Hiệp hội nghiên cứu Đạo giáo Việt Nam
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ Hiệp hội nghiên cứu Đạo giáo Việt Nam
TAOISM RESEARCH ASSOCIATION OF VIETNAM
Quay lại trang chủ

MỘT SỐ NHÂN VẬT TIÊU BIỂU TRONG QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA ĐẠO GIÁO

MỘT SỐ NHÂN VẬT TIÊU BIỂU TRONG QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA ĐẠO GIÁO
Nguon: Long Mon
Đạo giáo vốn là một tôn giáo được thai nghén và khởi đi từ nền văn hóa Hoa Hạ. Trong quá trình hình thành và phát triển, một số nhân vật lịch sử xuất hiện làm củng cố thêm các tư tưởng, học thuyết, triết lý, thậm chí là sáng tông lập giáo, diễn tiến giáo pháp muôn đời. Nay chúng ta cùng tìm hiểu qua một số nhân vật tiêu biểu.
1. Hoàng Đế – Thủy Tổ Đạo giáo: Trong quan niệm Đạo giáo, Hoàng Đế không đơn thuần là Thủy tổ người Hán mà được tôn xưng kính phụng. Kì thực, sự kiện Hoàng Đế đến Không Động Sơn bái phỏng Quảng Thành Tử cầu Đạo là cốt lõi căn cơ cho việc tôn xưng “Thủy Tổ”, ý chỉ người đầu tiên tầm tiên tu đạo. Đạo lịch tính đến nay là năm 4.721, chính là đánh dấu thời điểm Hoàng Đế tầm Đạo. Hẳn nhiều người nghe đến cụm “Hoàng-Lão chi thuật”, chính là nói đến Hoàng Đế và Lão Tử, những người đã đặt định nền tảng căn bản, gieo trồng những mầm mống đầu tiên về tư tưởng cho Đạo giáo hình thành về sau.
2. Lão Tử – Đạo gia Tổ sư: là vị sáng lập Đạo gia – một trường phái triết điển thời nhà Chu. Cống hiến của Lão Tử lớn nhất kể đến “Đạo Đức Kinh” lưu truyền hậu thế, ẩn tàng những tư tưởng về Đạo và Đức, tạo nền tảng căn bản cho kẻ sơ học về sau. Lão Tử không phải người sáng lập Đạo giáo, mà là người củng cố thêm nền tảng tư tưởng về Đại Đạo trước đó, giúp Đạo giáo sau này có được phương pháp luận và thế giới quan để diễn tiến tông môn.
3. Trang Tử – Nam Hoa Chân Nhân: là người huyền bí hóa khái niệm “Đạo”. Trong Nam Hoa Kinh, “Đạo” trở nên hình tượng hóa và thậm chí là thần hóa. Trang Tử đã kế thừa học thuyết Lão Tử, nâng tầm lên một cách thăng hoa siêu việt. Trang Tử đã góp phần quảng bá Đạo gia, lưu truyền các điển tích ngụ ngôn, ẩn tàng các tư tưởng về vô vi, thanh tĩnh, Đạo Đức vô cùng thâm sâu áo tàng.
4. Trương Đạo Lăng – Giáo tổ: là người sáng lập Đạo giáo. Có thể thấy, Đạo giáo với tư cách là một tôn giáo hoàn chỉnh về tín đồ và đạo sĩ phải khởi đi từ Trương Đạo Lăng Thiên Sư. Thiên Sư nguyên danh Lăng, người huyện Phong, quận Phái (nay là Giang Tô, Từ Châu, Phong huyện). Sự kiện sáng lập tôn giáo phải kể từ lúc Lão Quân truyền thụ Trương Đạo Lăng các pháp lục, pháp ấn, pháp khí và gia phong danh hiệu Thiên Sư. Trước Tổ Thiên Sư, các tổ chức liên quan học thuyết Hoàng-Lão, Lão-Trang xưng “Đạo gia”, sau đời Trương Thiên Sư, các tổ chức mang tính tôn giáo xưng “Đạo giáo”.
5. Cát Hồng: là vị kế thừa và phát triển các lý luận về thần tiên trong Đạo giáo. Cát Hồng cũng là người trứ tác “Bão Phác Tử nội thiên” đề cập đến nhiều khía cạnh lý luận thần tiên, đồng thời cũng hệ thống các phương thuật trước đó gồm thủ nhất, hành khí, đạo dẫn, phòng trung, v.v… Cát Hồng cũng đề ra tư tưởng kết hợp Nho gia như “muốn cầu Tiên đạo, trọng yếu phải trung hiếu hòa thuận nhân tín làm căn bản”. Cát Hồng cũng là nhà y học, dược học nổi tiếng đương thời.
6. Trần Đoàn – Hi Di Lão Tổ: là học giả, nhà dưỡng sinh trứ danh sống trong đời Ngũ Đại cho đến đời Bắc Tống. Trần Đoàn có sở thích đặc biệt về “Dịch Kinh”, căn cứ cái quái tượng, hào tượng của “Chu Dịch” mà thể hiện sự hình thành, diễn tiến, phát triển của vạn vật. Trần Đoàn đã đạt thành tựu to lớn về “Tiên Thiên Đồ’, “Dịch Long Đồ”.
7. Lữ Động Tân – Lữ Tổ: là hình tượng phổ biến bật nhất lưu truyền trong dân gian. Các câu chuyện, điển tích, thần tích về Lữ Tổ nhiều vô kể. Tổ họ Lữ, húy Nham, tự Động Tân, hiệu Thuần Dương Tử. Dân gian xưng Phu Hựu Đế Quân, Lữ Thuần Dương, Thuần Dương Phu Tử, Ân Chủ Công, Tiên Công, là một trong bát tiên.
8. Vương Trùng Dương – khai lập Toàn Chân Đạo: Vương Tổ được Chung-Lữ nhị tổ truyền thụ Đạo pháp, diễn tiến Toàn Chân pháp mạch hiển xuất thế gian. Vốn pháp mạch này từ đời đời, tại thế từ thời Vương Huyền Phủ tổ sư, sau đó truyền các Tổ như Chung Ly, Lữ Động Tân, Lưu Hải Thiềm. Đến đời Vương Trùng Dương Tổ thì chính thức hiển hóa thế nhân. Tổ về sau tại Ninh Hải lập Toàn Chân Am, lại thu bảy đồ, tục xưng “Toàn Chân Thất Tử”. Thất tử sáng tông lập phái, hậu học Toàn Chân xiển dương khắp cõi đại lục.
9. Khâu Xứ Cơ – Long Môn phái tổ sư: là đệ tử của Vương Trùng Dương. Khâu Tổ tuyên dươn diệu điển Nội Đan cùng giáo pháp Toàn Chân. Tổ từng diện kiến Thành Cát Tư Hãn, lưu truyền điển tích hậu thế. Về sau, nhà Nguyên nắm quyền toàn cõi Trung Hoa, Tổ được gia phong ân điển, xiển dương Đạo giáo cực thịnh. Ngoài ra, Tổ còn sáng chế các pháp quan cân khoa nghi, để mãi ngày nay có các vị cao công pháp sư đảm đương quá trình hành khoa tác pháp, truyền giáo thế gian.
Ngoài các vị kể trên, tất nhiên còn nhiều vị Tổ sư, Chân Nhân, Thần Nhân ảnh hưởng đến quá trình hình thành và phát triển của Đạo giáo. Song chúng tôi không kể ra dài dòng lê thê. Cốt lõi của các Tổ là để lại tấm gương về đời sống hành trì, những văn hiến phụ tá cho quá trình tu tâm dưỡng tính và cũng là giáo pháp truyền thừa. Những vị Tổ sư, Chân Nhân, Thần Nhân khác, nếu có dịp, chúng tôi sẽ nhắc đến trong các bài viết khác.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *