Thứ năm, 25/04/04,2024 12:49 UTC +7
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ   Hiệp hội nghiên cứu Đạo giáo Việt Nam
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ Hiệp hội nghiên cứu Đạo giáo Việt Nam
TAOISM RESEARCH ASSOCIATION OF VIETNAM
Quay lại trang chủ

TỪ MỘT CUỐN SÁCH NGHI LỄ ĐẠO GIÁO LƯU TRUYỀN TRONG DÂN GIAN

TỪ MỘT CUỐN SÁCH NGHI LỄ ĐẠO GIÁO

LƯU TRUYỀN TRONG DÂN GIAN

TRẦN ANH ĐÀO

Viện Nghiên cứu Tôn giáo

Đặt vấn đề:

Nghiên cứu Đạo giáo Việt Nam luôn là một đề tài hết sức hấp dẫn trong giới nghiên cứu trong và ngoài nước. Mặc dù hiện nay tôn giáo này không còn tồn tại với tư cách là một tôn giáo độc lập (religion), hội đủ các yếu tố nghi lễ (rituals), hệ thống tín ngưỡng (beliefs), giáo sĩ (priests), kinh điển (scriptures)  tổ chức (institution), nhưng nó đã từng là một trong ba tôn giáo quan trọng trong xã hội phong kiến trước đây. Từ góc độ sử học tôn giáo, nó vẫn còn nhiều vấn đề bỏ ngỏ khiến các nhà nghiên cứu quan tâm, trong đó có câu hỏi: “Đạo giáo đã truyền bá và phát triển trong lịch sử nước ta dưới ảnh hưởng của những trường phái nào, ngoài những nhận định chung chung là Thần tiên và Phù lục”.(1)

Ý thức được tầm quan trọng và cần thiết của vấn đề nói trên, một vài năm trở lại đây, nhà nghiên cứu người Nhật Bản o­nishi Kazuhiko đã khảo cứu một cách nghiêm túc và có một số bài viết xung quanh chủ đề “ảnh hưởng giáo phái Chính nhất ở Việt Nam”.(2) Tư liệu chủ yếu mà tác giả dựa vào để đưa ra các nhận định của mình chủ yếu là nguồn sử liệu, bài viết trong và ngoài nước (Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản) và đặc biệt là các tư liệu hữu quan hiện được lưu giữ trong Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

Trân trọng và cổ lệ những kết quả nghiên cứu nói trên, trong khuôn khổ một bài thông báo Hán Nôm, tôi muốn giới thiệu về một cuốn sách về Nghi lễ Đạo giáo được sưu tầm qua một chuyến điền dã về tín ngưỡng dân gian ở vùng Giao Thủy, tỉnh Nam Định; ngoài ra cũng muốn nói lên rằng: Nguồn tư liệu cần thiết cho nghiên cứu Đạo giáo nước nhà còn nằm rải rác đâu đó rất nhiều trong dân gian, việc nhận biết, khai thác chúng là điều hết sức bổ ích. Trong trường hợp cuốn sách mà chúng tôi sẽ nói đến tuy không phải là một phát hiện mới, nhưng nó lại mang một ý nghĩa khác: góp phần nghiên cứu ảnh hưởng của Đạo giáo ở Việt Nam, đặc biệt trong vấn đề giáo phái và kinh điển và nghi lễ.

  1. 1. Về cuốn sáchThần Tiêu truyền độ

Giống như bao cuộc sưu tầm kinh sách Đạo giáo trong dân gian khác, việc phát hiện cuốn Thần Tiêu truyền độ là hết sức tình cờ. Chủ nhân của nó là một ông thầy cúng (theo đúng cách gọi của ngôn ngữ hiện đại). Còn nếu nhìn vào rất nhiều những những kinh sách, ấn tín, trang phục, pháp khí cũng như một vài nghi lễ sắc bùa mà ông làm cho “khách hàng” ở điện thờ tư gia của ông, thì cũng có thể nói ông ấy là một Đạo sĩ dân gian. Trong số các sách vở bằng chữ Hán của ông, chúng tôi tình cờ phát hiện cuốn Thần Tiêu truyền độ (bởi nó ®­îc ghi ngoài bìa là như vậy), đoán định rằng đây là một cuốn sách chữ Hán về nghi lễ Đạo giáo liên quan đến nghi lễ cấp sắc theo thuyết Thần Tiêu, chúng tôi đã xin phép chụp lại để làm tư liệu nghiên cứu.

Điều đáng lưu ý là người lưu giữ cuốn sách này không nhấn mạnh đây là cuốn sách của Đạo giáo, tuy ông cũng từng sử dụng nó trong một vài nghi lễ “cấp sắc” diễn ra trước thần điện với thần chủ là Thánh Trần Hưng Đạo (ngoài ra còn thờ Phật và Tôn Ngộ Không) của gia đình ông. Quả đúng như lời dẫn của cụ Trần Văn Giàu về ý kiến của K. Coulet trong sách Thờ phụng và tôn giáo của xứ Đông Dương An Nam (Cultes et religions de l’Indochine Annamite): “… Người Việt Nam theo Đạo giáo mà không biết rằng đó là Đạo giáo”. Chủ nhân của cuốn sách và những người hàng xóm, những người có nhu cầu nhờ ông làm phép chỉ quan niệm một cách giản dị rằng ông là thày cúng và những sách vở bằng chữ Hán, chữ Nôm của ông là “sách cúng”, chúng là “gia truyền”, “gia bảo”, không phải ai cũng xem, cũng hiểu được (vì cần phải có nghề và biết chữ Hán). Còn với chúng tôi, dù sao thì đây cũng là một tư liệu hết sức quan trọng trong việc tìm hiểu ảnh hưởng của Đạo giáo ở nước ta trong lịch sử. Chí ít thì việc in ấn và lưu hành cuốn sách này trong dân gian vào đầu thế kỉ XX và vẫn được sử dụng (dù không thường xuyên) trong một vùng quê ở Nam Định hiện nay cũng cho thấy điều đó.

Đây là cuốn sách mộc bản có tổng cộng 126 trang, in trên giấy dó, đã bị mất tờ bìa gốc nhưng chủ nhân của nó đóng thêm lớp bìa bảo vệ, trên đó có dòng chữ Hán viết tay 神霄傳度 và chữ Việt “Cấp sắc”, các thông tin về năm in và nơi xuất xứ cho biết: 維新八年三月吉日重刊 (Ngày lành, tháng Ba, năm Duy Tân thứ tám 1914), 柳文堂藏板 (Liễu Văn đường tàng bản). Nếu chỉ như vậy thì chưa thể khẳng định ngay 神霄傳度 là tên gốc của cuốn sách hay không, ngoài sự tin tưởng rằng đây là một cuốn sách về nghi lễ Đạo giáo chịu ảnh hưởng của nghi lễ Thần Tiêu của phái Chính Nhất. Nhưng khi, đối chiếu nó với cuốn sách có từ khóa Thần Tiêu hiện đang lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm Thần Tiêu Ngọc cách Công văn《神霄玉格攻文》(kí hiệu A.881) thì hóa ra hai cuốn sách hoàn toàn gống nhau về niên đại, xuất xứ và nội dung. Như vậy đã khẳng định được tên gốc cuốn sách chúng tôi sưu tầm ở Nam Định cũng là Thần Tiêu Ngọc cách Công văn, do mất đi phần đầu nên chủ nhân của nó dùng chữ Thần Tiêu Truyền độ để viết lên bìa như đã giới thiệu ở trên.

Điều trùng hợp thú vị khác lại đến khi học giả Nhật Bản o­nishi Kazuhiko cung cấp thêm một bản Thần Tiêu Ngọc cách Công văn khác mà ông ấy sưu tầm được, có niên đại sớm hơn nhiều là năm Cảnh Hưng thứ 24 (1763) “《神霄玉格攻文》。景興二十四年穀日重刊”. Nội dung về đại thể là tương tự như hai cuốn in năm 1914, điểm khác lớn nhất (và cũng không kém phần quan trọng) là ở chỗ phần ghi Quốc hiệu ở mỗi bản mẫu văn sớ của cuốn niên đại Cảnh Hưng thứ hai mươi bốn là “Đại Việt Quốc mỗ phủ huyện xã cư phụng” (大越國某府縣社居奉), còn cuốn niên đại Duy Tân thứ tám là “Đại Nam Quốc mỗ phủ huyện xã cư phụng” (大南國某府縣社居奉)”. Sự lưu truyền và kế thừa trong việc in ấn và lưu hành kinh sách như vậy cho thấy xu hướng hoạt động của Đạo giáo ở nước ta là không tản mạn như người ta tưởng, mà đã tuân theo trường phái nhất định trên cơ sở bản địa hóa một cách linh hoạt. Ba cuốn sách về nghi lễ Thần Tiêu cho thấy trước năm 1763 đã phổ biến việc in ấn kinh sách Đạo giáo trong đó nghi lễ theo tuyết Thần Tiêu của phái Chính Nhất cho người bản địa (Đại Việt và Đại Nam).

  1. Toát yếu nội dung

Khi đã tìm ra được mối liên hệ mật thiết giữa ba cuốn sách nêu trên, thì việc giới thiệu nội dung của một trong ba cuốn đều có ý nghĩa đại diện. Nội dung của chúng là nhằm dạy về nghi lễ để các đệ tử của Đạo giáo được nhận tư cách Pháp sư hay Đạo sĩ. Nghi lễ này, theo cách gọi của dân gian hay của các nhà nhân học hiện nay thường dùng là “lễ cấp sắc”. Còn theo cách gọi của Đạo giáo là “truyền thụ pháp lục”. Theo sách Tam Động Đạo nghi (Đạo Tạng), Pháp lục (法籙) là bảo bối của Đạo sĩ, là các bước để “tu Chân nhập Đạo”. Pháp lục do Thái Thượng Lão Quân truyền cho Trương Đạo Lăng, từ Chính nhất đến Đại động Phàm thất đẳng lục có tất cả 120 bậc (階科), là “từ phàm trần nhập thánh môn, trợ quốc trị thân chi nghiệp”. Người muốn tu Đạo hành Đạo, cần phải tìm Pháp sư để được truyền thụ bí kíp. Kinh sách về nghi lễ truyền Pháp lục trong bộ Đạo tạng thì có rất nhiều, nhưng chúng tôi không thấy đầu sách nào mang tên 《神霄玉格攻文》. trong thư mục. Chúng tôi cho rằng chính các Đạo sĩ Việt Nam đã biên soạn loại sách nghi lễ theo thuyết Thần Tiêu trên cơ sở tiếp thu một cách linh hoạt các tri thức từ hệ thống Khoa nghi của Đạo giáo Trung Hoa. Các nghi tiết có phần đơn giản hơn nhưng vẫn đảm bảo tính chính thống và chặt chẽ. Chuyên gia nghiên cứu Đạo giáo người Nhật Bản o­nishi Kazuhiko đã đem so sánh Thần Tiêu Ngọc cách công văn với quyển Thái Thượng Thiên đàn Ngọc cách (太上天壇玉格) của sách Đạo Phương hội nguyên (quyến 249) thuộc bộ Chính Nhất– Đạo Tạng và cho rằng nó tương đối giống nhau. Ông cho rằng một trong những nội dung của hai loại sách này là nghi lễ để pháp sư xin nhận phẩm cấp từ Tòng cửu phẩm (從九品) đến Chính nhất phẩm (正一品) được gọi là Thần Tiêu phẩm trật. Từ đó o­nishi Kazuhiko cho rằng các pháp sư ở nước ta đã thực hành theo giáo thuyết Thần Tiêu và pháp thuật Lôi pháp, trong khi tuyên thệ tôn thờ vị giáo chủ Chính Nhất là Trương Thiên Sư. Đó là nhận định có tính thuyết phục cao. Bởi vì như chúng ta đã biết thì giáo phái Thần Tiêu do Lâm Linh Tố đề xướng vào đời Tống đến thời kì Minh, Thanh trở đi thì bị hòa nhập vào giáo phái Chính Nhất, nghi lễ của Chính Nhất tiếp thu nhiều nội dung từ phái Thần Tiêu hoặc cả Linh Bảo nữa.

Dưới đây là tóm lược các phần nghi lễ chủ yếu trong sách Thần Tiêu truyền độ:

– Việc lập đàn tiếu: nghi lễ sẽ được cử hành tại đạo tràng (hoặc đàn, tĩnh) của vị truyền độ sư. Đàn tiếu được bày biện theo phong cách “Linh Bảo truyền độ tiếu”.

– Các mẫu sớ: Mở đầu sớ thường là “Đại Nam Quốc mỗ phủ huyện xã cư phụng” (大南國某府縣社居奉), nội dung của tờ sớ sẽ tùy theo nội dung của nghi tiết.

Có hai loại nghi tiết chính được nói đến trong sách này, đó là Truyền độ và Thăng hạng phẩm trật. Việc Truyền độ là ghi nhận sự quy thuận theo Đạo của người đệ tử, cụ thể là nhận pháp lục từ sư phụ của mình, bao gồm:

+ Sớ truyền độ (傳度疏): “Đạo đệ tử” (đệ tử của Đạo giáo) sẽ kêu dâng sớ này đến vị giáo chủ Đô Tỉnh Chính Nhất Thiên Sư Chân Quân và Truyền độ Tam sư Chân quân. Truyền độ Tam sư (傳度三師) là chỉ ba vị Pháp sư đảm nhận việc truyền độ, gồm Truyền độ sư, Bảo cử sư, Giám độ sư. Ở Trung Quốc thì vẫn theo nghi lễ truyền độ truyền thống mang phong cách Đường Tống này, nhưng theo mô tả trong Thần tiêu truyền độ, nghi lễ đã giản lược và chỉ cần một truyền độ sư mà thôi.

+ Lập tĩnh từ (立靖詞): Người đệ tử dâng sớ tỏ ý nguyện được trở thành môn đệ của một Chính nhất Pháp sư và xin được cấp Chính pháp quy mệnh để “hành hóa trợ quốc cứu dân” và “gia môn hưng thịnh”, để được học Đạo và tu Pháp lục (法籙) chân truyền.

+ Thủ tạ Sư Tướng Sớ (首謝師將疏): Người đệ tử thỉnh Pháp sư đến nhà riêng hoặc điện thờ (tĩnh) tụng kinh dâng sớ sám hối, thỉnh Trời Phật phù hộ, thỉnh chư vị Thiên Sư, Thiên Tướng trợ lực trừ tà và phù trì toàn gia bình an.

– Pháp sư chủ đàn cấp đạo hiệu cho đệ tử: Đạo hiệu sẽ được chọn tùy theo tinh quân bản mệnh (sao chiếu mệnh) và hành canh can tuế của người đệ tử. Tiếp đó là nghi tiết “khấu đầu bái vọng đến “Phúc địa Long Hổ Sơn Trung Huyền Đàn Nhất Tự Giáo Thiên Sư Chân nhân” (遠叩福地龍虎山中玄壇一嗣教天師真人) và tuyên thệ “thụ chính pháp” và dốc chí thay trời hành hóa trợ quốc cứu dân, tế sinh độ thế mà không dám làm trái sau khi “đắc pháp”.

– Các Tấu chức: Bao gồm

+ Nhất tấu Bổ tế sinh độ thế chức (補濟生度世職)

+ Nhất tấu Phụng thụ chương biểu chức (奉受章表職)

+ Dâng chương tấu xin cấp ấn văn: gồm Nguyên thủy nhất khí ấn (元始一氣印) Linh bảo đại pháp ty ấn (灵宝大法司印) Bắc cực tà viện ấn (北極邪院印), Lôi đình đô ty ấn (雷霆都司印), Xã lệnh trợ hợp ấn (社令助合印).

+ Nhất tấu dùng đạo khí pháp phục: gồm Ngũ Lôi hiệu lệnh (五雷號令), Thiên Bồng thần xích (天蓬神尺); Chính Nhất trảm tà kiếm (正一斬邪劍) Pháp phục (法服).

Những ghi chép và cách thức nói trên phần lớn là tương tự với ghi chép trong sách Thiên Đàn Ngọc cách về nghi lễ truyền lục của giáo phái Trương Thiên Sư ở núi Long Hổ mà Đạo sĩ Trung Hoa hiện nay vẫn thực hành, trong đó bao gồm truyền thụ Pháp danh, Thần hiệu, Chức điệp, Phù lục, Pháp ấn, Ngọc cấp, Hèo xua quỷ, Lệnh bài, Cờ lệnh. Đây là những bảo vật quan trọng làm bằng chứng cho thân phận và đẳng cấp Đạo sĩ hay Pháp sư.

Nghi tiết thăng hạng phẩm trật được nói rõ ở phần Thiếp Bệ chức văn (帖陛職文). Pháp sư làm lễ cấp sắc (cấp Điệp) thăng bậc cho Đạo đệ tử tại một đàn tràng. Trình tự dâng tấu sớ cũng tương đối giống với phần Truyền độ

Người đệ tử phải dâng Tấu sớ bái vọng đến vị giáo chủ Trương Thiên Sư ở núi Long Hổ: “(前略)某靖某壇法師壇下遠叩福地龍虎山中玄壇一嗣教天師真人”), với mong muốn được truyền thụ Chính pháp, nhận “Lục nhất giai” (Lục cấp nhất), chuyên chí tu đạo, tế sinh độ thế.

+ Nhất tấu Bổ tế sinh độ thế chức (補濟生度世職)

+ Nhất tấu Biểu chương chức (表章職)

+ Nhất tấu Cấp ấn văn: Gồm Linh Bảo ấn (灵宝印); Tam Bảo ấn; Bắc Cực Tà viện ấn (北極邪院印); Linh Bảo Chư Giai Pháp ấn (灵宝諸階法印); Tam Thiên Thái Thượng ấn (三天太上印); Lôi Đình đô ty ấn (雷霆都司印); Đạo Sư Kinh Bảo ấn (道師經宝印); Thượng Thanh Thiên xu ấn (上清天樞印); Thanh Huyền cứu khổ ấn (青玄救苦印).

+ Nhất tấu thụ pháp khí (受法器): Linh Bảo Giai bệ Đại pháp văn (灵宝階陛大法文); Ngũ Lôi hiệu lệnh (五雷號令); Thiên Bồng thần xích (天蓬神尺); Chính Nhất trảm tà kiếm Tề Thiên bảng (正一斬邪劍齊天鎊); Pháp phục (法服) .

Các thể thức thăng phẩm trật (陛進法職 ), nhận Đạo hiệu, Pháp khí và Chu thư cũng được ghi rất rõ trong phần tiếp theo của cuốn sách. Đặc biệt là phần nói về 9 cấp bậc phẩm trật từ Cửu phẩm đến Nhất phẩm (神霄玉格論陛下品秩) theo o­nishi Kazuhiko thì gần giống Thái Thượng Thiên đàn Ngọc cách (太上天壇玉格) như đã nói ở phần trên. Các cấp bậc được lược kê như sau:

Sơ thụ lục:

1.Tòng/ Chính Cửu phẩm: Thái Thượng Tam ngũ đô công chức lục Hạ nguyên hoàng lục

2.Tòng/ Chính Bát phẩm: Thái Thượng Tam ngũ đô công chức lục

3.Tòng/ Chính Thất phẩm: Thái Tam ngũ Chính Nhất Minh chức lục

4.Tòng/ Chính Lục phẩm: Thái Thượng Chính Minh Uy chức lục

5.Tòng/ Chính Ngũ phẩm: Cao Thượng Đạo Đức Tử Hư Dương Quang chức lục

6.Tòng/ Chính Tứ phẩm: Thượng Thanh Tử Hư Dương Quang chức lục

7.Tòng/ Chính Tam phẩm: Thượng Thanh Tam Động, Thượng Thanh Linh Bảo Trung Minh chức lục bí pháp

8.Tòng/ Chính nhị phẩm: Thượng Thanh Đại Động Kinh lục bí pháp, Thượng Thanh Tam Động Kinh lục, Ngũ Lôi chức lục

9.Chính Chất phẩm: Ngọc Thanh Tam Động Kinh lục bí pháp

Ngoài ra, cuốn sách còn in 72 mẫu ấn tín, trong đó đáng chú ý có Ngọc Hoàng Thượng Đế ấn (玉皇上帝印), Linh Bảo Pháp Ty ấn (灵宝法司印), Phật Pháp Giai Ngọc ấn (仸法階法印), Giáp Tý ấn (甲子印), v.v…

Đôi lời kết luận

Mặc dù không đủ điều kiện về mặt tri thức Hán ngữ cũng như Đạo học để đi sâu phân tích cụ thể và đầy đủ hơn các nội dung của cuốn sách Thần Tiêu truyền độ (Hay Thần Tiêu Ngọc Cách công văn), nhưng từ nội dung toát yếu của nó, chúng ta có thể tin tưởng rằng hoạt động Đạo giáo ở nước ta đã từng mang dấu ấn của môn phái chính thống và được truyền thụ một cách nghiêm túc trong một thời gian rất dài trong lịch sử. Hơn nữa nó thể hiện một phần nào diện mạo của Đạo giáo bản địa. Việc đi sâu nghiên cứu vấn đề này là rất cần thiết và một trong những động lực chính là việc sưu tầm được nhiều hơn những kinh sách Đạo giáo còn lưu truyền đâu đó trong dân gian.

Chú thích:

(1) Về vấn đề này, xin xem thêm Trần Anh Đào: Sơ lược về nghiên cứu Đạo giáo ở Việt Nam. Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 10, 11/2007.

(2) Tham khảo Onishi Kazuhiko: Vai trò Đạo sĩ của nhà sư trong tập văn khấn nghi lễ Phật giáo Việt Nam thế kỉ XVIII. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Việt Nam – Trung Quốc về chủ đề Tôn giáo trong bối cảnh chuyển đổi kinh tế xã hội (năm 2005); Bàn về sự truyền bá của giáo phái Chính nhất Đạo giáo sang Việt Nam. Kỷ yếu hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ ba. H. 2008./.

Thông báo Hán Nôm học 2008; tr.244-254

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *