VỀ “CỬU THIÊN VŨ ĐẾ – HƯNG ĐẠO
ĐẠI VƯƠNG” QUA HÌNH DẤU ẤN GỖ
NGUYỄN CÔNG VIỆT
Trên Tạp chí Hán Nôm số 4-1998 chúng tôi đã trình bày về một số ấn dấu, phù ấn liên quan tới Trần Hưng Đạo và Điện súy Phạm Ngũ Lão tại Bảo Linh điện. Trong bài viết tiếp theo này chúng tôi xin được giới thiệu thêm một số ấn dấu bằng gỗ khác và khắc họa vài nét về Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn – người anh hùng dân tộc, đồng thời cũng là vị thánh linh thiêng bao đời nay trong thế giới tâm linh của người dân Việt Nam.
Trong số 28 quả ấn tại Bảo Linh điện, ngoài 7 ấn dấu đã được giới thiệu thì số dấu ấn mà chúng tôi sẽ nói dưới đây được coi là có ý nghĩa rõ nét về Đạo giáo Việt Nam hơn cả. Những quả ấn này đều có chất liệu bằng gỗ, núm cầm ngắn và mặt văn khắc theo thể Triện thư.
Dấu thứ nhất hình vuông có kích thước 5,5 x 5,5cm, nét chữ Triện thẳng vuông vức uốn nhiều nét, là 4 chữ “Tam phủ công đồng” 三 府 公 同. Đây là ấn dấu của Công đồng tam phủ(1).
Dấu thứ hai hình vuông có kích thước 6,7 x 6,7cm, nét chữ Triện thẳng vuông nhưng ngắn, là 4 chữ “Phạm Ngũ Lão ấn ” 范 五 老 印, ấn dấu của Phạm Ngũ Lão(2).
Dấu thứ ba hình vuông có kích thước 5,7 x 5,7cm, nét chữ Triện thẳng vuông ngắn, là 4 chữ Triện “Ngũ hổ tướng ấn” 五 虎 將 印, ấn của năm tướng hổ(3).
Dấu thứ tư hình vuông có kích thước 5,7 x 5,7cm, nét chữ nét chữ Triện thẳng, vuông, hai chữ đầu có nét uốn nhiều để cân đối bố cục dấu, là 4 chữ “Bắc đẩu nam tào” 北 斗 南 曹, ấn dấu của Nam Tào Bắc Đẩu(4).
Dấu thứ năm có hình lá đề đứng, kích thước 6,5×8,0cm, đường viền lá đề 0,5cm. Bốn chữ Triện trong dấu xếp theo bố cục 4 3. Nét chữ uốn nhiều nét theo hình lá nên tương đối khó đọc, đó là 4 chữ “Ngọc Hoàng Thượng Đế” 玉 皇 上 帝 Đây là dấu ấn của Ngọc Hoàng Thượng Đế(5).
Theo đạo sĩ Trần Trung Thường thì những con dấu này được dùng để đóng trên lá bùa và lá sớ mà ông đã có bản khắc in sẵn, chỉ việc điền tên họ địa chỉ tín chủ khi họ yêu cầu thầy giúp đỡ. Trước khi tín chủ mang bùa, sớ về nhà thì những lá bùa, sớ đó đều được dâng lên điện thờ để thầy hành lễ kêu cầu sao cho được linh nghiệm.
Ở đây thể hiện rõ sự gắn bó giữa điện thờ và các con dấu của bản điện, khiến chúng tôi phải xem xét lại không chỉ Bảo Linh điện mà nhiều đền, điện thờ Trần Hưng Đạo khác. Nhìn chung mô hình điện thờ gồm các tượng thờ, bài vị, đồ thờ… đều có những điểm tương đồng, cách bố cục bài trí tuy có điểm khác nhau, chỗ đủ chỗ thiếu, nhưng tựu chung vẫn theo mô hình chính. Bệ thờ đầu tiên nhìn từ ngoài vào là bài vị và tượng Điện súy Thượng tướng quân Phạm Ngũ Lão, am dưới đặt sát đất là nơi thờ Ngũ hổ hoặc Độc hổ. Bệ thứ hai cao và dài rộng hơn nhiều là nơi đặt các tượng và bài vị thờ Yên Sinh Đại Vương Trần Liễu, Thiên Thành Thái Trưởng Công Chúa, Tả Nam Tào diên thọ tinh quân, Hữu Bắc Đẩu giải ách tinh quân, Cửu Thiên Vũ Đế Hưng Đạo Đại Vương. Có đền thì đặt tượng, bài vị vua Trần Nhân Tông, Hưng Vũ Đại Vương và tả hữu Thiên Lôi thần tướng… Bệ sau cùng hoặc ở các gian hai bên thì đặt tượng thờ chư vị Thánh mẫu, tức ban thờ Tam phủ công đồng.
Ở một số điện thờ nhỏ như Bảo Linh điện thì không có đủ tượng và bài vị ở ban thờ như đã trình bày, nhưng số ấn gỗ biểu trưng cho các linh vị thì tương đối đầy đủ, nó thể hiện sự gắn bó mật thiết giữa phù ấn với hình tượng thần thánh được tôn thờ.
Điểm đặc biệt của phù ấn về Trần Hưng Đạo là quả ấn gỗ lớn mà chúng tôi in chụp được trước đây tại Viện Bảo tàng Lịch sử. ấn có ký hiệu LSB1 425/245 chất liệu bằng gỗ, hình thể đơn giản kiểu có núm cầm ngắn, kích thước mặt dấu cỡ 10,3 x 11,5cm, văn khắc 12 chữ Triện là “Cửu Thiên Vũ Đế Trần triều Hưng đạo Đại Vương chi ấn” 九 天 武 帝 陳 朝 興 道 大 王 之 印 tức ấn của Cửu Thiên Vũ Đế Hưng đạo Đại Vương triều Trần(6).
Trần Hưng đạo khi mất được vua Trần truy tặng là Thái sư Thượng phụ Thượng quốc công Nhân vũ Hưng Đạo Đại Vương. Nhiều tư liệu chữ Hán và một số ấn gỗ còn giữ đến ngày nay cũng chỉ ghi là Hưng Đạo Đại Vương, riêng quả ấn này thì lại ghi thêm mấy chữ “Cửu Thiên Vũ Đế”. Trong tín ngưỡng của Đạo giáo Việt Nam, các bậc thánh thần như Tản Viên Sơn Thánh, Cao Sơn… cũng chỉ được phong là Đại Vương, không vị nào được xưng “đế” cả. ấn dấu này đã chứng minh cho việc Trần Hưng Đạo, một vị tôn thần duy nhất của nước ta được phong là “Cửu Thiên Vũ Đế”. Tại sao một con người bằng xương bẳng thịt như Trần Hưng Đạo ở thời Trần lại được tôn sùng như một vị thánh, vị đế cao nhất trong thế giới tâm linh của người dân Việt Nam như vậy ?
Trần Quốc Tuấn sinh ngày 10 tháng 12 năm Bính Tuất niên hiệu Kiến Trng thứ 2 (1226) thời Trần(7). Ông là con An Sinh Vương Trần Liễu và Thuận Thiên Công chúa Lý Thị Nguyệt. Đại Việt sử ký tiền biên ghi về ông: “… Khi mới sinh ra có người xem tướng trông thấy bảo rằng: “Người này ngày sau có thể cứu nước giúp đời”, đến khi lớn lên dung mạo khôi ngô thông minh hơn người, đọc rộng các sách, có tài văn võ…”(8). Sau này ông đã trở thành một vị tướng tài ba và năm Thiệu Bảo thứ 5 (1283) ông được tiến phong làm Quốc công Tiết chế thống lĩnh chư quân. Trần Quốc Tuấn đã làm nên trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam với chiến công oanh liệt ba lần chiến thắng giặc Nguyên Mông.
Năm Trùng Hưng 5 (1289) khi triều đình xét công trạng, ông được tiến phong làm Hưng Đạo Đại Vương, được người đời tôn làm anh hùng dân tộc và hậu thế coi như một “người Trời” xuống giúp nước cứu đời.
“Sinh vi tướng tử vi thần”, sinh ra làm tướng giúp dân giúp nước, mất đi cũng làm thần giúp dân giúp nước. Khi qua đời, tương truyền Trần Hưng Đạo đã thành thần, thành thánh hiển linh cứu giúp chúng sinh, được đương thời và hậu thế tôn thờ, đó là tâm linh tôn giáo của nhân dân ta mà biết bao điện, đền thờ đức thánh Trần còn tồn tại đến nay như một minh chứng sinh động. Theo tư liệu dân gian do nhà nghiên cứu Hán Nôm Hoàng Giáp sưu tầm được thì sau khi mất, Trần Hưng Đạo đã “lên Thiên Đình nhận lệnh chỉ của Ngọc Hoàng Thượng Đế làm Cửu Thiên Vũ Đế. Đế có nhiệm vụ trừ diệt yêu ma, giặc giã, tà đạo khắp cả ba cõi là Thượng giới (Thiên đình), Trung giới (Trần gian) và Hạ giới (Âm phủ)… Cửu Thiên Vũ Đế luôn hiển hóa ở cõi trời Nam để giúp dân giúp nước”.
CHÚ THÍCH
(1) Theo Đạo giáo “tam phủ” tức là ba phủ: Thiên phủ, Địa phủ và Thủy phủ. Ở Đạo giáo Việt Nam, Tam phủ công đồng là ban thờ chư vị Thánh mẫu: đệ nhất Thượng Thiên (Tượng là mẫu Liễu Hạnh), Đệ nhị Thượng Ngàn và Đệ tam Thoải phủ (tức Thủy phủ).
(2) Phạm Ngũ Lão sinh năm 1255 mất năm 1320, người làng Phù ủng, Đường Hào (nay là Mỹ Hào, Hưng Yên). Ông theo Hưng Đạo Vương đánh giặc lập nhiều chiến công, được phong đến chức Điện súy Thượng tướng quân. Sau khi mất, ông được đương thời và hậu thế tôn thờ. Tượng thờ và bài vị của Phạm Ngũ Lão nằm trong đền, điện thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo.
(3) Theo quan niệm của Đạo giáo thì “Ngũ hổ” tượng trưng cho năm thần tướng trấn giữ năm phương (4 phương: Đông, Tây, Nam, Bắc và Trung ương). Năm hổ với năm màu sắc khác nhau, được định theo màu sắc của ngũ hành phương vị là hổ đen, hổ đỏ, hổ xanh, hổ trắng và hổ vàng. Hổ vàng bao giờ cũng được đặt ở giữa (trung ương hổ). Điện và đền thờ nào của Đạo giáo Việt Nam cũng có am thờ Ngũ hổ.
(4) Theo quan niệm của Đạo giáo thì Nam Tào, Bắc Đẩu là hai bên tả hữu của Ngọc Hoàng Thượng Đế. Nam Tào được đặt bên trái Ngọc Hoàng, coi sóc về tuổi thọ của chúng sinh; còn Bắc Đẩu ở bên phải Ngọc Hoàng, trông coi về sắc khỏe và bệnh tật của chúng sinh.
(5) Theo quan niệm của Đạo giáo thì Ngọc Hoàng Thượng Đế là vị Đế cao nhất của các đế và thần thánh, cùng muôn loài ở ca ba cõi Thiên Đình, Trần Gian, Âm Phủ. Không chỉ Đạo giáo mà nhiều giáo phái khác trên thế giới từ xưa cho đến nay đều tôn sùng và thờ phụng Ngọc Hoàng Thượng Đế.
(6) Cửu Thiên, theo Từ nguyên là chỉ “Trời”; “cửu thiên” là tám phương trời và khu trung ương ở giữa trời. Ngày nay khi khấn vái, dân ta thường mở đầu bằng câu: “… Lạy chín phương trời mười phương Phật…”.
(7) Theo sách Trần Đại vương bình Nguyên thì Trần Quốc Tuấn sinh năm Bính Tuất (1226), một số tư liệu khác thì khẳng định ông sinh năm 1228.
(8) Đại Việt sử ký tiền biên, Nxb. KHXH 1997 – tr.362./.